Năm 2010, Thủ tướng phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy với mục tiêu năm 2015, tỉ lệ kiểm định xe máy tại TP HCM và Hà Nội đạt 80%-90% và các thành phố loại 1, 2 là 60%. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng có nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát ôtô, xe máy cũ nát không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm môi trường, song hiệu quả đem lại chưa cao.
Thiếu quy định xử lý
Gần đây nhất, năm 2021, TP Hà Nội kết hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức đo khí thải xe máy và hỗ trợ chủ xe máy cũ được đổi xe mới bằng hình thức trợ giá từ 1-4 triệu đồng. Tuy nhiên, không có nhiều chủ xe máy mặn mà với chương trình này. Trước đó, TP HCM thí điểm đo khí thải đối với xe máy kèm theo chính sách hỗ trợ sửa chữa, tặng dầu nhớt... song cũng vắng chủ xe đưa phương tiện tới.
Thiếu quy định cụ thể, rõ ràng khiến việc thu hồi xe cũ gặp nhiều khó khăn
Ở góc độ nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường với quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ôtô, xe máy phải cam kết tái chế sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng phương tiện bán ra thị trường. Theo đó, ôtô, xe máy sau khi thu hồi sẽ được tháo gỡ các bộ phận kim loại, nhựa thủy tinh, cao su để phục vụ tái chế. Đồng thời, doanh nghiệp phải thu hồi chất thải nguy hại như dầu nhớt, dầu bôi trơn, ắc-quy, bảng mạch, linh kiện điện tử... để thực hiện quy trình xử lý chất thải phát sinh...
Như vậy, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành không ít quy định và triển khai được một số chương trình thí điểm thu hồi xe cũ, không bảo đảm chất lượng, song triển khai trên thực tế rất khó. Nguyên nhân bởi hiện nay luật chưa có quy định cụ thể về kiểm soát khí thải xe máy mà mới chỉ quy định về kiểm soát khí thải đối với ôtô. Tương tự, hiện cũng chỉ có quy định về niên hạn sử dụng xe tải, xe khách từ 20-25 năm, còn xe máy và ôtô du lịch vẫn chưa có luật điều chỉnh.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, khi dự thảo Luật Giao thông Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bổ sung quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy. Trên cơ sở quy định của luật, lộ trình kiểm định khí thải phù hợp sẽ được xây dựng tại nghị định hướng dẫn thi hành để triển khai đồng bộ trên cả nước.
Tranh cãi cơ sở thu hồi xe cũ
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định việc thu hồi xe máy cũ nát gặp khó vì đây là tài sản của cá nhân. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ mới có cở sở xử lý.
Liên quan đến tiêu chí xác định phương tiện cơ giới cần thu hồi, loại bỏ, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về niên hạn sử dụng với tất cả chủng loại ôtô, xe máy. Mới đây, TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Chính phủ quy định niên hạn sử dụng với xe máy để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng thay vì quy định niên hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước nên dựa vào các hàng rào kỹ thuật, chẳng hạn tiêu chuẩn khí thải, để sàng lọc, thải loại phương tiện cũ nát. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngẫu nhiên phương tiện đang lưu thông và xử phạt nặng nếu không đạt tiêu chuẩn. Cách làm này được đánh giá dễ thực hiện và có hiệu quả khá cao.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ôtô, việc quản lý ôtô, xe máy dựa trên tiêu chí niên hạn sử dụng hoặc tiêu chuẩn khí thải đều bất cập. Việt Nam có thể học tập các nước tiên tiến trong việc quản lý chất lượng xe lưu hành trên đường. Cụ thể, xe muốn hoạt động trên đường phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống lái, hệ thống thắng và đạt mức tiêu chuẩn khí thải tính theo năm sản xuất. Ngoài ra, một số nước còn đánh thuế môi trường với xe cũ ở mức cao gấp nhiều lần so với xe mới.
TS Trần Hữu Nhân, Trưởng Khoa Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật cũng như lộ trình thực hiện mục tiêu thu hồi phương tiện cơ giới cũ nát. "Xe cũ nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật thì không có lý do gì không cho chủ phương tiện sử dụng. Không ít xe tuổi đời hàng chục năm nhưng ít sử dụng, bảo quản tốt nên chất lượng còn tốt hơn xe mới mà sử dụng nhiều, bảo dưỡng, bảo hành không thường xuyên" - ông Nhân phân tích và đề nghị dựa trên cơ sở tiêu chuẩn khí thải để phân loại, xử lý xe cũ, không đạt chất lượng.
Theo PGS-TS Phạm Thị Anh - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường Trường ĐH GTVT TP HCM - để quản lý xe máy, ôtô hiệu quả, cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể với nhiều cấp độ. Cụ thể, xe nào không đạt tiêu chuẩn song có thể khắc phục, sửa chữa thì cho phép khắc phục, sửa chữa rồi tiếp tục lưu hành; nếu không thể khắc phục được thì mới thải loại.
ThS Đoàn Hồng Đức, Trưởng Bộ môn Quy hoạch Giao thông Trường ĐH GTVT TP HCM, gợi ý nên gắn mã điện tử cho ôtô, xe máy nhằm tích hợp đầy đủ thông tin, lịch sử của xe vào hệ thống quản lý. Ngoài ra, việc quản lý xe theo tiêu chuẩn khí thải cũng là giải pháp dễ thực hiện và thuận lợi hơn so với việc dựa theo niên hạn sử dụng.
Một nửa số xe máy đã quá hạn sử dụng
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy thành phố hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000, tức đã sử dụng hơn 20 năm. Còn tại TP HCM, trong gần 8 triệu xe máy đang lưu hành, có khoảng phân nửa là xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí nhiều xe được sản xuất từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có gần 60 triệu xe máy đang lưu hành, thải ra 80%-90% lượng khí CO, HC và 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.
Bình luận (0)