Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nhiều mẫu xe thương mại tiêu thụ rất chậm trong tháng 7 vừa qua, thậm chí một số mẫu không bán được chiếc nào. Chẳng hạn, mẫu Hiace Minibus từ 10-16 chỗ của Toyota chỉ bán được 4 chiếc, mẫu xe buýt 16-19 chỗ của Công ty CP Ôtô Trường Hải tiêu thụ được 6 chiếc và mẫu buýt 28-45 chỗ của hãng này chỉ bán được 11 chiếc, mẫu xe 29-80 chỗ của Vinamotor bán ra vỏn vẹn 5 chiếc. Còn nhiều hãng xe khác như Samco, Dothanh, Daewoo Bus Việt Nam dù nỗ lực vẫn không có mẫu xe nào được tiêu thụ.
Giảm mạnh qua từng năm
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán các mẫu xe thương mại trên 9 chỗ chỉ đạt khoảng 34.000 chiếc, ít hơn doanh số 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 1.000 chiếc, giảm 2.700 chiếc so với cùng kỳ năm 2018, ít hơn 10.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2017 và giảm tới 14.600 chiếc so với cùng kỳ 2016.
Tiêu thụ xe thương mại sụt giảm do khách hàng sử dụng xe cá nhân tăng mạnh.Ảnh: NGUYỄN HẢI
Trước đó, xe thương mại có thời kỳ đỉnh cao khi tiêu thụ đến 99.000 chiếc trong năm 2016 và 93.000 chiếc trong năm 2017. Doanh số sụt giảm mạnh trong những năm sau đó khiến các hãng ôtô bị thiệt hại rất lớn vì đây là dòng xe mang lại nhiều lợi nhuận. Với tỉ lệ nội địa hóa rất cao, nhiều dòng lên tới 70%-90%, xe thương mại được hưởng nhiều lợi thế, nhờ đó đem lại lợi nhuận tương ứng cho nhà sản xuất. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp (DN) ôtô coi đây là sản phẩm chiến lược và thường lựa chọn sản xuất sớm hơn những dòng xe con khác.
Bối cảnh dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua tác động tiêu cực đến ngành du lịch, vận tải được cho là một trong những nguyên nhân khiến doanh số xe thương mại giảm thê thảm. Ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Đại Hoàng Thủy, kể công ty đầu tư hơn 100 tỉ đồng để trang bị 16 xe giường nằm và 20 ôtô 16 chỗ phục vụ kinh doanh vận tải hành khách nhưng đa phần đang phải "đắp chiếu" do hoạt động vận tải chở người bị tạm dừng.
"Ngay từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, các DN du lịch đã không mặn mà sắm xe mới mà chủ yếu mua xe đã qua sử dụng để giảm chi phí. Đến nay, nhiều DN phải bán tháo xe để có tiền trả nợ ngân hàng khiến nguồn xe thương mại cũ tràn ngập thị trường với mức giá hấp dẫn, tất yếu xe mới sẽ khó tiêu thụ" - ông Thủy thông tin.
Tương tự, lãnh đạo một DN du lịch quy mô nhỏ cũng cho biết 2 năm trước đã mua hơn 100 xe trên 9 chỗ phục vụ hoạt động của công ty nhưng chưa kịp hoàn vốn thì gặp dịch bệnh kéo dài nên có kế hoạch thanh lý xe để trả nợ ngân hàng. Với không ít DN có nhu cầu thanh lý xe thương mại như vậy, thị trường có thể được bổ sung nguồn cung giá rẻ và cạnh tranh trực diện với xe sản xuất mới.
Đa dạng hóa để cạnh tranh
Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam đang ở trước giai đoạn motorization (ôtô hóa) với thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Do đó, motorization chắc chắn sẽ bắt đầu vào trước năm 2025 khi trung bình 1.000 dân có trên 50 phương tiện ôtô và quy mô thị trường đạt mức 800.000 - 900.000 xe/năm. Lúc đó, dòng xe dưới 9 chỗ dự báo tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Ngược lại, dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa và thị phần giảm dần. Điều này giải thích vì sao doanh số bán xe thương mại giảm mạnh qua từng năm, nhất là trong 3 năm trở lại đây.
Ông Cao Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Kinh doanh phân phối ôtô Phát Đại, cũng thừa nhận xe dịch vụ ngày càng ế khách mua để kinh doanh dịch vụ vận tải do đa phần người tiêu dùng có điều kiện đã chuyển sang sử dụng xe cá nhân. Hạ tầng giao thông cũng được đầu tư cơ bản, đủ để phục vụ nhu cầu tăng trưởng xe cá nhân trong vài năm trở lại đây. Chưa kể, cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2013 buộc ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay mua nhà đất, ôtô nên số lượng khách vay để mua xe phục vụ kinh doanh giảm rõ rệt.
Đại diện hãng ôtô Samco cũng nhìn nhận việc tăng trưởng mạnh xe cá nhân đã tác động lớn đến tiêu thụ xe thương mại. Chưa kể, hệ thống giao thông đô thị chưa được bố trí thật sự thuận lợi cho việc tăng cường hoạt động của xe buýt công cộng cũng khiến các hãng xe "hụt" mất một kênh tiêu thụ sản phẩm tiềm năng.
Nhấn mạnh thị trường xe thương mại đã bão hòa, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng để tiếp tục phát triển dòng xe này, cần nhiều phương án tổng hợp như: phát triển cơ sở hạ tầng; cải tiến sản phẩm theo hướng hiện đại, tiện nghi; giảm giá thành.
"Giá cước dịch vụ xe thương mại là mấu chốt quan trọng để hành khách quyết định chọn đi xe thương mại đường dài hay chọn phương tiện đường sắt, hàng không. Như vậy, các DN sản xuất ôtô không chỉ cần nâng cao chất lượng xe mà còn phải đưa ra mức giá bán cạnh tranh. Về mặt chính sách, rất cần nhà nước có lộ trình miễn, giảm thuế, ưu đãi về đất đai để kêu gọi đầu tư vào sản xuất linh kiện ôtô trong nước bởi giá xe thương mại ở Việt Nam hiện cao gấp đôi so với châu Âu" - ông Đồng chỉ rõ.
Ưu tiên phát triển
Bộ Công Thương nhận định các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước có tỉ lệ nội địa hóa cao, khoảng 50% đối với xe tải nhẹ và trên 60% đối với xe khách. Tỉ lệ này đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa.
Cũng theo Bộ Công Thương, ngày 16-7-2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, một trong các nhóm sản phẩm ưu tiên là xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, đặc biệt là các loại xe khách tầm trung chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng. Do đó, nhà nước sẽ chú trọng các chính sách ưu đãi cho dòng xe này để tận dụng hiệu quả từ tỉ lệ nội địa hóa cao, tạo điều điện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng như tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu ngân sách.
Bình luận (0)