39 năm trước, chính xác là ngày 20-1-1985, Paolo Maldini ra mắt AC Milan từ ghế dự bị ở tuổi 16 khi đội bóng sọc đỏ-đen đá với Udinese khi M.Tassotti vắng mặt và cầu thủ thay thế là S.Battistini chấn thương vào cuối hiệp 1.
Điều thú vị là có mặt trên khán đài theo dõi anh là... cha ruột Cesare Maldini, xuất hiện trên khán đài San Siro theo yêu cầu của HLV trưởng tuyển Ý Enzo Bearzot, người 3 năm trước đã đưa đội vô địch World Cup Espana 1982.
Từ đó, một hậu vệ huyền thoại của AC Milan và tuyển Ý ra đời...
Maldini bộc lộ năng khiếu từ 8 tuổi
Rossoneri là biệt danh của AC Milan, bởi trên chiếc áo đấu của họ chỉ có 2 màu đỏ và đen. 2 màu sắc ấy từng được ví von với cuộc đời của huyền thoại nửa đỏ thành Milan Paolo Maldini. Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu của anh dành cho CLB, còn đen là đại diện cho bản lĩnh của người đội trưởng mẫu mực, cho những thế hệ cầu thủ của gia tộc huyền thoại Maldini.
Thừa hưởng di truyền từ người cha là huyền thoại Casare Maldini, Paolo Maldini sớm bộc lộ thiên bẩm với quả bóng tròn khi gia nhập AC Milan lúc mới lên 8 tuổi. Tài năng sớm nở rộ khiến anh nhận được sự tin tưởng của HLV khi thường xuyên góp mặt trong đội trẻ Milan giai đoạn 1977-1984. Maldini trở thành đội trưởng đội trẻ năm lên 14 tuổi.
Sau màn ra mắt đội một AC Milan, Maldini đã có suất đá chính vững chắc ở tuổi 18. Bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp khi còn rất trẻ nhưng thời điểm đó, hậu vệ trái AC Milan đã phải đối mặt với các huyền thoại bóng đá như Diego Maradona hay Ronaldo de Lima.
Điều đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Maldini không ngừng trưởng thành. Anh trở thành đồng đội ăn ý của đội trưởng Franco Baresi.
Maldinhi - chàng hậu vệ tài hoa
Trong 2 trận chung kết C1 liên tiếp năm 1989 và 1990, Maldini đã góp công không nhỏ trong hành trình bảo vệ thành công ngôi vô địch, đồng thời được bình chọn là tân binh xuất sắc nhất châu Âu. Khi Maldini còn thi đấu, người ta gọi hành lang cánh trái của anh là nơi bất khả xâm phạm.
Tuy nhiên, Paolo Maldini luôn nhận được sự tôn trọng từ các cầu thủ và người hâm mộ bởi dù chơi ở vị trí hậu vệ, nhưng anh chưa bao giờ vào bóng ác ý làm tổn thương đối phương.
Mùa giải 1992-1993, người hâm mộ chứng khiến bộ ba "người Hà Lan bay" đè bẹp dễ dàng đối thủ ở tuyến trên, thì bên dưới là sự chắc chắn của hàng phòng ngự gồm những cái tên Maldini, Baresi, Costacurta và Mauro Tassotti.
Họ tạo nên một bức tường thép kiên cố, hậu phương vững chắc. Hàng phòng ngự thép ấy đã cùng nhau tạo nên kỳ tích với 58 trận bất bại kéo dài qua hai mùa giải. Đó cũng là một trong những chuỗi trận bất bại dài nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Mất Quả bóng vàng vì là hậu vệ?
Trong cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 1995, Maldini về thứ 2 chỉ kém người đồng đội ở Milan là George Weah. Khi đội trưởng Franco Baresi giải nghệ, Maldini là người được chọn kế nhiệm vai trò quan trọng này của Milan. Anh tiếp tục cùng Rossoneri chinh phục những đỉnh cao của châu Âu.
Trái ngược với sự nghiệp đầy vinh quang ở CLB, Paolo Maldini ở đội tuyển quốc gia lại không thành công lắm. Suốt 126 lần khoác áo tuyển quốc gia Ý, Maldini đã tham dự 3 kỳ Euro và 4 kỳ World Cup nhưng không giành được bất kỳ một danh hiệu nào.
Tại World Cup năm 1994 được tổ chức ở Mỹ, đội bóng của Maldini đã vào đến chung kết, nhưng để thua Brazil sau loạt sút luân lưu 11 m, ngậm ngùi với vị trí Á quân giải đấu cao nhất bóng đá thế giới ở cấp độ đội tuyển.
6 năm sau, đội tuyển "áo thiên thanh" có trận chạm trán trước đối thủ nhiều duyên nợ là tuyển Pháp tại chung kết Euro 2000. Lần này, Maldini cùng đồng đội đã chiến đấu hết mình, cống hiến một màn trình diễn đẳng cấp trong suốt 90 phút thi đấu chính thức. Nhưng bi kịch diễn ra ở những phút bù giờ, đội tuyển Ý đã nhận lấy 2 bàn thua. Giấc mơ nâng cao chiếc cúp danh giá cùng đồng đội trong đội tuyển Ý của Maldini lại tan thành mây khói.
Maldini chia tay đội tuyển ở tuổi 34
Năm 2002, sau khi vượt qua vòng bảng, đội tuyển Ý gặp phải đối thủ chủ nhà Hàn Quốc. Đến nay, trận đấu đó vẫn được xem là trận xấu xí nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Maldini bị cầu thủ Lee Chun Soo sút thẳng vào đầu, nhưng trọng tài đã bỏ qua tình huống đáng nhận thẻ đỏ của cầu thủ Hàn Quốc.
Chung cuộc để thua với tỉ số 1-2, Maldini bỏ lỡ cơ hội chinh phục World Cup cùng đội tuyển Ý. Sau kỳ World Cup ấy, Paolo Maldini bị người hâm mộ chỉ trích, hoài nghi liệu ở độ tuổi 34, anh có còn đủ sức đảm nhiệm vị trí đội trưởng tuyển quốc gia hay không.
Và anh đã quyết định chọn chia tay đội tuyển Ý, kết thúc hành trình 14 năm khoác áo tuyển Ý.
Trở về Milan, Maldini tiếp tục làm khuynh đảo đấu trường châu Âu. Tháng 5-2003, AC Milan đánh bại Juventus trên chấm luân lưu trong trận chung kết Champions League. Lần thứ 4 trong màu áo đỏ đen, Paolo Maldini cùng đồng đội nâng cao chiếc cúp vô địch châu Âu.
Năm 2005, trong trận chung kết Champions League với Liverpool, Maldini ghi bàn khi đồng hồ chỉ vừa bước qua giây thứ 52, đây cũng là bàn thắng sớm nhất trong lịch sử Champions League. Kết thúc hiệp 1, Milan đã dẫn trước đối thủ với tỉ số 3-0, tưởng chừng chiến thắng đã nằm chắc trong tay. Nhưng Liverpool đã thi đấu quả cảm trong hiệp 2 và gỡ hòa 3-3. Ở loạt sút luân lưu cân não, các cầu thủ Rossoneri đã để chiến thắng tuột khỏi tầm tay trong sự tiếc nuối.
25 năm, Maldini chỉ cống hiến cho một màu áo
Chỉ 2 năm sau, Maldini lần thứ 8 có mặt tại chung kết Champions League, lại chạm trán với Liverpool. Nhưng lần này, các cầu thủ Milan không để những sai lầm lặp lại một lần nữa. Milan đã đòi lại được món nợ với Liverpool bằng chiến thắng 2-0 với màn tỏa sáng của Kaka và F.Inzaghi.
Ngày 24-5-2009, Paolo Maldini ra sân lần cuối cùng, kết thúc 25 năm cống hiến hết mình cho AC Milan. Anh đã dành toàn bộ sự nghiệp thi đấu của mình cho nửa đỏ thành Milan với hơn 900 trận đấu, một đại diện hoàn hảo cho người thủ lĩnh.
Sau trận đấu ấy, chiếc áo số 3 của huyền thoại AC Milan được để trống. Đó là cách chủ sân San Siro tôn vinh tượng một tượng đài, hậu vệ mẫu mực và điểm tựa vững chắc nơi hành lang cánh trái của Rossoneri mang tên Paolo Maldini.
Maldini không thích làm HLV. Anh đã từ chối Giorgio Armani để trở thành người mẫu khi giã từ sự nghiệp cầu thủ.
Lúc AC Milan rơi vào khủng hoảng, Paolo tái xuất trong vai trò quản lý từ tháng 8-2018 (giám đốc phát triển chiến lược thể thao) và trở thành Giám đốc kỹ thuật sau đó một năm.
Trên cương vị quản lý, Maldini tái sinh Milan và góp phần giúp đội vô địch Serie A 2021-22, Scudetto đầu tiên của Rossoneri sau 11 năm, dù CLB có nguồn tài chính không dồi dào. Do bất đồng với lãnh đạo CLB về tầm nhìn tương lai của đội bóng, ông chia tay CLB vào đầu mùa bóng 2023-2024.
Bình luận (0)