Đây là phái đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ lớn nhất trong lịch sử quan hệ thương mại song phương với hơn 100 thành viên, bao gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Mỹ, đại diện 9 Bộ Nông nghiệp thuộc 9 bang và đại diện đến từ 21 hiệp hội ngành hàng nông sản thuộc bộ Nông nghiệp Mỹ. Phái đoàn thương mại với hai điểm dừng chân là TP HCM và Hà Nội thậm chí còn thu hút nhiều nhà nhập khẩu quốc tế đến từ Burma (Myanmar), Campuchia và Thái Lan.
Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của bà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, Alexis Taylor trong 2 năm vừa qua.
Trong buổi gặp mặt báo chí chiều 12-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Alexis Taylor cho biết trọng tâm của chuyến thăm lần này là kết nối với các nhà nhập khẩu lớn thông qua các cuộc gặp trực tiếp giữa các doanh nghiệp, đồng thời nhằm tìm hiểu điều kiện thị trường Việt Nam và khu vực thông qua chuyến thăm thực địa, các buổi gặp mặt chuyên gia trong ngành cũng như nhiều cuộc gặp song phương với quan chức chính phủ Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM.
Thứ trưởng Taylor cho biết: "Thị trường Đông Nam Á nắm giữ cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng sự quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong ngành chế biến thực phẩm, bán lẻ, và nhà hàng, với sự hiện diện của nhiều sản phẩm Mỹ chất lượng vượt trội như các loại hạt, trái cây tươi, thịt gà, thịt bò, và thịt heo lợn. Sự hiện diện của chúng tôi mang tính toàn diện và tham vọng tại Việt Nam, chúng tôi thường xuyên làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và các cơ quan chính phủ khác. Đội ngũ của chúng tôi làm việc không ngừng nhằm giúp Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng pháp lý và quy trình ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học, mở của thị trường cho sản phẩm Mỹ vào Việt Nam, tối đa hóa mức giới hạn dư lượng, sử dụng phân bón đúng, tỉnh bền vững và hơn thế nữa".
Chuyến thăm của Phái đoàn thương mại diễn ra sau khi Việt Nam mở cửa thị trường cho trái đào và xuân đào Mỹ vào Việt Nam, cũng như diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ-Việt Nam, khi các nhà lãnh đạo hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn diện dựa trên đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt lõi và động lực cho quan hệ song phương.
Bình luận (0)