icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải làm mới xe buýt Hà Nội

Bạch Huy Thanh

Xe buýt ở Hà Nội dù được trợ giá hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng vẫn chưa hấp dẫn người dân

Hà Nội hiện có khoảng 156 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá với 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt, hơn 2.000 phương tiện. Xe buýt ở Hà Nội đang được trợ giá nhiều, giá vé rẻ nhưng lại không hấp dẫn người dân.

Nỗi ám ảnh của nhiều người

TP Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30%-35% nhu cầu đi lại của người dân. Giai đoạn 2015-2019, mỗi năm ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt khoảng 1.370 tỉ đồng; giai đoạn 2020-2022 mức trợ giá tăng lên 2.230 tỉ đồng/năm, riêng năm 2022 là gần 3.000 tỉ đồng; năm 2023 khoảng 2.750 tỉ đồng.

Tình trạng xe buýt lấn làn, tạt đầu diễn ra thường xuyên ở Hà Nội (trong ảnh là xe buýt thường lấn làn xe buýt nhanh BRT) Ảnh: HỮU HƯNG

Tình trạng xe buýt lấn làn, tạt đầu diễn ra thường xuyên ở Hà Nội (trong ảnh là xe buýt thường lấn làn xe buýt nhanh BRT) .Ảnh: HỮU HƯNG

Tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội cuối năm 2023, nhiều đại biểu đã nêu rõ việc hiện nay nhiều tuyến xe buýt vẫn còn tình trạng xe kém chất lượng, nội thất xe xuống cấp, tiêu chuẩn khí thải không bảo đảm, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, thái độ phục vụ của lái xe và phụ xe chưa tốt…

Nhắc đến xe buýt, nhiều người dân Hà Nội lắc đầu ngao ngán. Hằng ngày sử dụng xe máy, chị Lương Kim Thư (trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết bản thân chị cảm thấy rất sợ hãi khi nhìn thấy xe buýt chạy trên đường. "Mỗi lần gần đến điểm chờ xe buýt là tôi lại hú vía với những pha phóng nhanh, tạt đầu của xe buýt. Tôi đã từng suýt tông vào xe buýt vì bất ngờ bị xe buýt tạt đầu" - chị Thư nói.

Chỉ cần gõ cụm từ "xe buýt phóng nhanh vượt ẩu" trên thanh công cụ tìm kiếm của Google thì trong tích tắc hàng ngàn nội dung liên quan đến từ khóa này như: xe buýt tạt đầu, vượt đèn đỏ, xe buýt gây tai nạn giao thông chết người… sẽ hiện ra.

"Xe buýt chạy trong thành phố rất ẩu, ỷ thế xe to chèn ép các xe khác cùng tham gia giao thông. Dù bị phản ánh rất nhiều nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải xe buýt, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để hạn chế" - anh Bùi Huy Hoàng, người dân sống cạnh một điểm chờ xe buýt trên phố Lê Văn Lương, nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, nhận định xe buýt ở Hà Nội dù đã chạy hàng chục năm nay nhưng chất lượng, uy tín vẫn không được người dân đánh giá cao, người dân chưa mặn mà. Có hàng loạt vấn đề về xe buýt hiện nay, như: ồn ào, gây ô nhiễm, gây tai nạn; không ít lái xe, phụ xe có thái độ thiếu tôn trọng hành khách; điều chỉnh giờ không hợp lý. Mỗi năm Hà Nội dùng hàng ngàn tỉ đồng để trợ giá xe buýt, vấn đề này cũng có thể dễ xảy ra tiêu cực, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên thanh tra, giám sát…

Cần sớm thay đổi, chuyển đổi

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng hiện nay, chúng ta đang hướng tới văn minh, hiện đại nên các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn trong vấn đề quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng xe buýt, nếu không thay đổi toàn diện thì sẽ không thu hút được người dân, những mục tiêu đạt tỉ lệ cao về giao thông công cộng sẽ khó thành hiện thực.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và các đơn vị vận tải tham gia hoạt động xe buýt ở Hà Nội khẳng định trong năm 2024 sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các tuyến xe buýt, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ; xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng phương tiện, kỷ luật chạy xe, thái độ phục vụ, vi phạm doanh thu và chấp hành pháp luật giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý kỹ thuật, chất lượng đoàn phương tiện theo quy định.

Về vấn đề chuyển đổi, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng thủ đô. Hiện tại, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển đổi này cũng như thí điểm triển khai thẻ vé điện tử. Toàn thành phố quyết tâm làm bằng được việc chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Vinbus, yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ khách hàng. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách, từ trợ giá, ưu tiên về hạ tầng... Hằng ngày, chúng ta đối mặt với ùn tắc giao thông nặng nề và ai cũng nhận ra cần sự phát triển của các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Để đạt được điều đó, cần sự đồng hành của cộng đồng, cần những giải pháp đồng bộ. 

Sẽ cắt giảm 4.000 nhân viên xe buýt

Hà Nội đang thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng, sau khi hoàn thành thí điểm, các đơn vị liên quan sẽ tổng kết đánh giá, làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết sử dụng vé điện tử giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ. "Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2.034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ, giảm số tiền lớn cho ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỉ đồng ngân sách mỗi năm" - ông Thường nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo