Dư luận chưa hết hoang mang về vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1 nữ sinh lớp 5 tử vong và nhiều học sinh nhập viện ở Nha Trang thì thông tin liên tiếp nhiều vụ học sinh nhập viện do "bóng thối" lại giáng thêm những đòn nặng nề về tâm lý.
Điển hình ngày 10-4, 6 học sinh trưởng THCS Phú Ninh (tỉnh Đồng Tháp) nhập viện do hít phải "bóng thối". Trước đó ngày 3-4, 19 học sinh 1 trường THCS của tỉnh Vĩnh Long cũng nhập viện vì hít phải thứ đáng sợ này.
Còn rất nhiều vụ ngộ độc do hít phải "bóng thối" xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ sau Tết nguyên đán đến nay.
Hầu hết những vụ việc đó xuất phát từ việc học sinh mua đồ ăn, thực phẩm và đồ chơi bày bán trước cổng trường.
Bao giờ những mối nguy hại này thôi rình rập học sinh?
Tôi là phụ huynh của 1 bé học cấp 2 và 1 bé học cấp 1. Nhiều năm nay, để hạn chế việc con mua đồ chơi không rõ nguồn gốc hay thực phẩm thiếu thông tin xuất xứ bày bán trước cổng trường, tôi không cho con tiền đi học.
Nhưng khi bé lớn lên cấp 2, việc không cho con tiền cũng là điều khó khăn vì bản thân con cũng có nhu cầu ăn bánh, uống nước trong giờ ra chơi với bạn.
Nếu tôi không cho tiền, con vẫn được bạn bè "bao ăn" và ăn rất thoải mái nhưng lâu dài tạo cho con cảm giác tự ti, mặc cảm.
Có lần nhiều phụ huynh đặt câu hỏi với nhà trường về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng rong bày bán trước cổng trường, nhà trường lắc đầu vì trách nhiệm thuộc về địa phương và lương tâm người bán.
Tôi nhiều lần quan sát hàng rong trước nhiều cổng trường, nhận thấy đa số người bán phục vụ các món ăn nhanh cho bữa sáng như bánh mì que, cơm cuộn, xúc xích chiên, cơm chiên và những món bắt mắt trẻ em như trà sữa, trà tắc, siro đá bào… Hầu hết đều là sản phẩm tự làm, không được bao bọc, bảo quản kỹ, người bán không sử dụng bao tay, khẩu trang và bán bên vệ đường nhiều bụi bặm, khói xe.
Riêng đồ chơi bày bán trước cổng trường có nhiều thứ mang tính bạo lực như đao, kiếm, chạy theo thị hiếu và "trend" của trẻ em. Khi hỏi nguồn gốc thì người bán ậm ờ.
Hàng rong, quán xá kiểu nhỏ lẻ này, nếu trông chờ lương tâm người bán thì rất khó bởi nay họ bán chỗ này, mai có thể đi chỗ khác.
Do đó, quản lý hàng rong, quán xá trước cổng trưởng không còn chỉ trông chờ ý thức của phụ huynh hay lương tâm người bán mà phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu Luật chưa có quy định thì phải nhắc nhở bằng lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp hoặc đề xuất bổ sung đưa các nhóm hàng rong nhỏ lẻ vào diện quản lý.
Trẻ em là tương lai của đất nước, không chỉ cha mẹ, nhà trường mà cả xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ. Hành động sớm bao giờ cũng hơn lừng khừng để rồi quá muộn!
Bình luận (0)