Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần xây dựng thể chế về những vấn đề được làm và không được làm; mở rộng không gian sáng tạo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, doanh nghiệp
Chiều 12-11, sau khi 3 "tư lệnh" ngành hoàn thành trả lời chất vấn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình về kinh tế - xã hội (KT-XH) trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Phấn đấu tăng trưởng hơn 7%
Cập nhật tình hình KT-XH 10 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng cho biết kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, trên hầu hết các lĩnh vực.
Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỉ USD.
Chính phủ cũng đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó bảo đảm đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng. Chính phủ cũng đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi nhằm bảo đảm cung ứng điện về dài hạn và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao.
Trả lời chất vấn liên quan vấn đề "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", Thủ tướng cho biết trong quá trình hoạt động có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật. Những vấn đề mới phát sinh đều khó, do đó cần tập trung hoàn thiện thể chế. Muốn đột phá cũng phải đột phá từ thể chế.
Theo Thủ tướng, quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, doanh nghiệp (DN) và tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển KT-XH. Chính vì vậy, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính. Song, phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng "cái được làm, cái không được làm" để người dân, DN yên tâm thực hiện". Tuy nhiên, đối với một số tình trạng như buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì phải xử lý nghiêm.
Liên quan việc xây dựng thể chế cho quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng khẳng định không gian thực như thế nào thì không gian ảo như thế và việc quản lý cũng như vậy. Với tinh thần như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, là bỏ tư duy "không quản lý được thì cấm". Tức là xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, DN, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo. "Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phân cấp
Trả lời chất vấn của ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) và ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) về phân cấp, phân quyền, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề cấp bách. Dù Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan nhưng việc thực hiện vẫn nhiều vướng mắc. Đây được coi là một nút thắt lớn cản trở quá trình phát triển.
Hiện Chính phủ trình QH ban hành 14 luật; 9 nghị quyết; sửa đổi, thay thế 27 nghị định. Giải pháp là rà soát quy định pháp luật, thể chế; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra; phân cấp, phân quyền đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Phát triển đất nước thì ưu tiên cho cái gì? Theo Thủ tướng, ngoài thể chế, phân cấp, phân quyền, sẽ ưu tiên cho tăng trưởng. Ưu tiên tăng trưởng phải có nguồn lực, vì nếu tăng trưởng cứ bình bình như hiện nay 6%-7% sẽ rất khó đạt được các mục tiêu hướng đến 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) đã đề ra. Do đó, phải ưu tiên tăng trưởng. Muốn vậy, phải tháo gỡ thể chế để huy động nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội và nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Với việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, Thủ tướng cho rằng phải bứt phá để tăng trưởng. Hạ tầng là điểm nghẽn cần tháo gỡ. Xu thế mới là phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm là động lực tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, đầu tư là động lực tăng trưởng truyền thống nên cần huy động nguồn lực cho đầu tư các công trình lớn của quốc gia, tạo đột phá cho hạ tầng chiến lược với các công trình chiến lược mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không thể "bình bình" như hiện nay. Với chủ trương đột phá hạ tầng, cần tập trung đường sắt tốc độ cao kết nối Trung Quốc, Bắc - Nam; khởi động lại dự án năng lượng hạt nhân, điện gió ngoài khơi. Để có nguồn lực, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động nguồn lực… Vì thế, mong QH ủng hộ các dự án lớn này, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành giai đoạn 2.
Phát biểu kết thúc chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH đánh giá các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đúng và trúng những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các ĐB quan tâm. Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề; đồng thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục.
Hôm nay, 13-11, QH thảo luận về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành; dự thảo nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7%
Chiều 12-11, QH thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025. Nghị quyết đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%-7% và phấn đấu khoảng 7%-7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3%-5,4%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29%-29,5%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%...
Cùng với đó, tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Năm 2025 phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...
Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (đoàn TP HCM):
Rất hài lòng với kết quả chất vấn
Tôi rất vui vì các ĐB đã đặt ra những vấn đề rất trọng tâm, được cử tri gửi gắm tới nghị trường. Với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, vấn đề quản lý thị trường vàng rất được ĐBQH quan tâm, đặt nhiều câu hỏi chất vấn và tranh luận. Điều này cũng dễ hiểu, vì đây là một lĩnh vực rất nóng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý ngoại hối, giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cũng được nêu ra. Tư lệnh ngành đã nêu ra những giải pháp rất đúng và trúng các vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Thống đốc cũng đưa ra các giải pháp và những cam kết làm sao để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trả lời rất thẳng thắn, đồng thời nhìn nhận những nỗ lực, cố gắng của mình còn những khuyết điểm nhất định và hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để phục vụ tốt hơn sức khỏe của nhân dân. Tình trạng lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu - độc trên môi trường mạng đã được nêu ra và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giải đáp đầy đủ. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của bộ trưởng.
Đại biểu TRỊNH THỊ TÚ ANH (đoàn Lâm Đồng):
Ấn tượng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Tôi rất ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ trưởng đã đưa ra các thông tin, giải pháp rất quan trọng, trong đó có sự phát triển về hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Với những giải pháp đó, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.
Về tổng thể, sau 3 nhóm chất vấn, tôi thấy các bộ trưởng, trưởng ngành đã nắm rất chắc các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm.
Bình luận (0)