Theo dự thảo luật, phân bón được đề xuất chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, thay vì không chịu thuế như hiện nay. Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật.
Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết đối với mặt hàng phân bón, hiện có 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất, đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành. Ở luồng quan điểm thứ nhất, một số lý do được đưa ra như việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Quan điểm thứ hai thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng này vào diện chịu thuế VAT 5%. Việc chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5% sẽ có những tác động nhất định đến giá bán trên thị trường. Việc áp dụng thuế suất VAT 5% sẽ tác động tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần) vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ vào thuế đầu ra.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề nghị giữ phân bón thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành. Theo ông Hải, việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí cho bà con nông dân.
Theo ông Hải, cần cân nhắc kỹ việc áp thuế trong điều kiện bà con nông dân còn rất nhiều khó khăn, tình trạng bỏ ruộng hoang ở nhiều nơi vẫn xảy ra vì thu nhập thấp. "Trong thời điểm hiện nay chưa nên đánh thuế đối với phân bón"- đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.
Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cũng nhìn nhận nếu mặt hàng phân bón chịu thuế suất 5%, sẽ làm tăng chi phí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông Nam cho rằng cần giữ nguyên quy định như luật hiện hành là phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
Để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nông dân, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề xuất nên áp thuế 0% với phân bón, với đề xuất này doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. "Người nông dân một nắng hai sương, lời lãi chẳng bao nhiêu. Hôm nay các đại biểu Quốc hội có ý kiến ở đây về vấn đề phân bón, nếu chúng ta thu 5% thuế VAT, sẽ đánh trực diện vào hiệu quả sản xuất nông nghiệp"- đại biểu Đinh Ngọc Minh băn khoăn.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), nếu giữ như quy định luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, và phí này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá sản phẩm. Từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón. "Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân. Vì vậy, nên giữ như quy định hiện hành, phân bón thuộc các đối tượng không chịu thuế VAT"- đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Trong trường hợp muốn đảm bảo hài hòa thì đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%. Như vậy, vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần đánh giá khách quan vấn đề áp thuế VAT 5% đối với phân bón. "Chúng ta không nên căn cứ vào giá cao hay giá thấp, có tăng giá hay không tăng giá khi đánh thuế để quyết định chính sách. Phải nhìn tổng thể đối với một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam, chúng ta cần có ngành sản xuất phân bón hiện đại bình đẳng với thế giới chứ không phải lúc nào cũng "chạy" theo chính sách, lúc nào cũng phải phụ thuộc vào thế giới, thị trường nhập khẩu. Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được hưởng lợi, xã hội hưởng lợi, và ngành nông nghiệp được lợi"- đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Bình luận (0)