Chiều 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tạo động lực
Đại biểu (ĐB) Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) đồng tình với việc cần thiết giao quyền chủ động cho TP Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn cũng như giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc UBND như trong dự thảo luật.
Theo ĐB này, Hà Nội là thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố để được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
ĐB Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) đánh giá dự thảo đã thể hiện được tinh thần chỉ đạo của trung ương và kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 06, Nghị quyết 15, đặc biệt là Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bà Mai đề nghị chú trọng đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt, đơn vị hành chính đặc biệt.
ĐB Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, bày tỏ nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ công lập khác trên địa bàn Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp, với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. Theo ông Thi, quy định này nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11-1-2024 của Bộ Chính trị để phát huy tối đa tiềm năng khoa học - công nghệ rất lớn của thủ đô.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đồng tình cao với dự án và hy vọng việc sửa đổi lần này, với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, ông Hạ lưu ý cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan quy hoạch xây dựng, phát triển thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch. Theo ông, Hà Nội vẫn thiếu những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách. Do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình làm dấu ấn của khu vực...
ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đánh giá dự thảo thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư nhằm phát triển thủ đô xứng tầm cũng như tạo sức lan tỏa, trở thành động lực dẫn dắt cho sự phát triển của cả vùng cũng như đất nước.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định khẳng định qua các ý kiến đã làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản trong dự thảo, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển thủ đô với tinh thần "Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội".
Cân nhắc việc ghi hình tại tòa
Sáng cùng ngày, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi.
Tại khoản 3 và 4 điều 141 dự thảo quy định người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.
Phương án 2: Không quy định khoản 3 và 4 mà thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật liên quan.
Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), việc quy định chặt chẽ hơn hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần phân biệt đối tượng được ghi âm, ghi hình. Nên quy định cởi mở hơn trong việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa với phóng viên, báo chí, truyền hình, bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên trong thông tin chắc chắn có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn. Đây cũng là kiến nghị, mong muốn của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí.
Hôm nay, 29-5, QH thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phải bảo đảm quyền con người
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi về nội dung việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên xét xử, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết có ý kiến đề nghị giữ như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.
Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác. Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và 4 điều 141 của dự thảo luật.
Bình luận (0)