Ngày 7-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024. Phiên họp thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Nhiều điểm sáng
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết nền kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19 với nhiều điểm sáng.
Trong 8 tháng năm 2024, nền kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,04%, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội; thu ngân sách ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,7%, xuất siêu ước đạt 19,1 tỉ USD. Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá thu hút vốn FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới gần 12 tỉ USD, tăng 27%; vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỉ USD, tăng 8%.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đều cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Năm nay, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB và OECD nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.
Bên cạnh "bức tranh" sáng màu, Bộ KH-ĐT nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp hiệu quả hơn nữa, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự bản lĩnh, đột phá, đổi mới, sáng tạo trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8%-7% và phấn đấu trên 7%. Để đạt mục tiêu, Bộ KH-ĐT đề xuất các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn được Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)... Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng, thu hút và sử dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.
Ổn định tỉ giá, giảm lãi suất cho vay
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng phân tích một số tồn tại, hạn chế như giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm…
Theo Thủ tướng, những dự án tồn đọng cần giải quyết nhanh hơn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có giải pháp nâng cao hơn; huy động và sử dụng các nguồn lực cũng cần hiệu quả hơn. Phải tập trung, nỗ lực hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh.
Sau khi phân tích dự báo tình hình, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỉ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xã hội. Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giàu tiềm năng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…
Thủ tướng cũng lưu ý khai thác dư địa chính sách tài khóa, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỉ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.
NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ, đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin đến nay, dư nợ tín dụng tăng 7,15%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15% trong năm nay.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, NHNN đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%. Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều này cho thấy các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp từ nguồn lợi nhuận của mình.
NHNN sẽ tiếp tục tăng quy mô các gói vay ưu đãi, như gói tín dụng cho ngành lâm sản, thủy sản dự kiến tăng lên 50.000 - 60.000 tỉ đồng (thay vì 30.000 tỉ đồng như ban đầu). Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỉ đồng, lãi suất sẽ thấp hơn 3% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường (thay vì 2%).
"Với con số dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện nay, NHNN tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 15% vào cuối năm và tiếp tục góp phần cho mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5% - 7%" - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Th.Linh
Bình luận (0)