Mới đây, anh L. (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết đã trình báo công an về việc bị 3 người đàn ông đánh gây thương tích và đập phá ô tô gây hư hỏng...
Anh L. kể sáng 12-1, anh lái ô tô từ ngã tư Đất Thánh về nhà tại khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định, TP Thuận An. Do đường hẹp nên anh điều khiển xe chạy chậm. Khi vừa về đến cổng nhà thì anh bị 2 người đàn ông đi trên một xe máy (không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu say xỉn) chặn đầu xe rồi gây sự.
Họ cho rằng anh chặn đầu xe nên đập phía sau xe anh L. Do anh L. sợ bị bể đèn hậu nên mở cửa ra xem và hỏi lý do đập xe thì một trong hai người đàn ông gây sự nói: "Mày biết tao là ai không?". Tiếp đó, hai người lao vào đập phá xe của anh L.
Chưa dừng lại, hai người này gọi thêm một người đàn ông nữa đến rồi lao vào đánh hội đồng đến khi anh L. gục dưới nền sân.
Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, bước đầu có thể xác định vụ việc trên là cố ý gây thương tích đối với người khác.
Đối với hành vi gây thương tích cho người khác, có thể chế tài hình sự hoặc hành chính, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.
Căn cứ theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng dùng vũ khí, có tổ chức, tính chất côn đồ,... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo quy định trên, cơ quan chức năng phải căn cứ tỉ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại hoặc các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật Hình sự để xác định dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Trường hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể của người tài xế công nghệ từ 11% trở lên, hoặc các hành vi gây thương tích của ba người đàn ông trong đoạn clip thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 1 điều 134 Bộ luật Hình sự, thì ba người đàn ông này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Mức phạt đối tội danh này thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất là bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào khung hình phạt mà ba người đàn ông này bị áp dụng.
Giả sử hành vi vi phạm của ba người đàn ông kể trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi vi phạm của họ có thể bị xử lý theo điểm a khoản 5 điều 7 Nghị định 144/2021.
Căn cứ theo quy định này, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt đến 8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị vi phạm.
Bình luận (0)