Ông cho biết thêm sẽ lắng nghe mọi nhóm chính trị cũng như xem việc giảm nợ công quá mức của đất nước là ưu tiên hàng đầu.
Ở tuổi 73, ông Barnier là thủ tướng cao tuổi nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp. Đáng chú ý, người tiền nhiệm của ông, Gabriel Attal, từng là thủ tướng trẻ nhất (35 tuổi). Theo đài CNBC, ông Barnier không phải là nhân vật xa lạ trong chính trường Pháp khi từng đảm nhiệm 4 chức vụ trong nội các, trong đó có Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản.
Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Barnier làm thủ tướng trong nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị sau khi kết quả bầu cử dẫn đến tình trạng quốc hội treo vào tháng 7. Theo đài CNBC, liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP, gồm 5 đảng) bất ngờ dẫn đầu trong cuộc bầu cử trên, theo sau là liên minh trung dung của ông Macron và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Do không có khối nào giành được 289 ghế cần thiết để đạt được thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện, nước Pháp được đặt dưới sự lãnh đạo của chính phủ tạm quyền trong thời gian qua.
Pháp có thủ tướng mới trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ì ạch dù lạm phát đã hạ nhiệt đôi chút. Nhiệm vụ đầu tiên của ông Barnier là bổ nhiệm các bộ trưởng mới và danh sách này phải được Tổng thống Macron thông qua. Ngay sau khi thành lập chính phủ, theo truyền thống, tân thủ tướng Pháp thường phát biểu trước quốc hội, nêu rõ các ưu tiên chính sách và những cải cách có thể tiến hành. Nếu tân thủ tướng không yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, các đảng đối lập có thể yêu cầu tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Với khả năng cao NFP bỏ phiếu bất tín nhiệm, số phận của ông Barnier có thể phụ thuộc vào lá phiếu của đảng RN. Trước mắt, đảng này cho biết sẽ đợi xem tân thủ tướng phát biểu gì về vấn đề nhập cư và việc thay đổi hệ thống bầu cử trước khi quyết định. Nếu vượt qua được rào cản này, thách thức chính sách lớn đầu tiên của ông Barnier là soạn thảo dự luật ngân sách năm 2025 và chuyển cho các nhà lập pháp trước ngày 1-10.
Bình luận (0)