Ngày 8-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng ngày, thay mặt Bộ Chính trị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng bị bắt sau 7 tháng thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị - Ảnh: Hoàng Triều
Thua lỗ hơn 800 tỉ đồng đầu tư vào OceanBank
Cụ thể, ông Thăng bị khởi tố và đình chỉ sinh hoạt Đảng do liên quan đến 2 vụ án kinh tế lớn khi làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) gồm: vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank); cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank ngày 1-3 - Ảnh: TTXVN
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với vai trò là Chủ tịch PVN giai đoạn 2009 - 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV PVN giai đoạn 2009 - 2011; tự ký Văn bản số 6934, ngày 18-9-2008 thỏa thuận tham gia góp vốn với Chủ tịch HĐQT OceanBank mà không thông qua sự thống nhất của HĐTV tập đoàn. Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Ngày 29-9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm với 51 bị cáo trong vụ thất thoát 2.000 tỉ đồng tại OceanBank. Trong đó, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ OceanBank, sau về làm Chủ tịch PVN - bị tuyên án tử hình, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, án chung thân cùng 49 bị cáo khác nhận lần lượt nhận những bản án thích đáng.
Theo cáo trạng, năm 2008, PVN thỏa thuận với Hà Văn Thắm để tập đoàn này tham gia góp vốn vào OceanBank. Thời điểm này, Nguyễn Xuân Sơn cũng được cử sang giữ chức vụ tổng giám đốc OceanBank và đại diện phần vốn góp của PVN.
Cũng trong năm 2008, PVN gửi công văn và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc tập đoàn này góp 400 tỉ đồng vào OceanBank (tương đương 20% vốn của OceanBank) và cán bộ, nhân viên PVN góp 200 tỉ đồng (tương đương 10%). Năm 2010, OceanBank tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng nên PVN đã chuyển 300 tỉ đồng vào tài khoản của OceanBank nhằm duy trì tỉ lệ góp vốn 20%.
Tới năm 2011, Nguyễn Xuân Sơn (lúc này là Phó Tổng giám đốc PVN) ký văn bản gửi HĐTV đề nghị xem xét tăng 100 tỉ đồng vốn góp của PVN tại OceanBank. Việc này trái với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng).
Sau đó năm 2015, hoạt động của OceanBank rơi vào ngõ cụt nên Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại với số tiền 0 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư vào OceanBank mất trắng toàn bộ tiền đầu tư, trong đó PVN mất 800 tỉ đồng.
Trong phiên tòa, luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cũng đã đưa ra tài liệu chứng minh lãnh đạo PVN, gồm ông Đinh La Thăng đã ký văn bản thông báo OceanBank như một tổ thuộc PVN, yêu cầu các thành viên sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. Do vậy, ngoài việc yêu cầu tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc thất thoát 800 tỉ đồng, TAND Hà Nội cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo PVN khi gửi văn bản, yêu cầu các đơn vị thành viên gửi tiền vào OceanBank.
Tiếp tục quá trình điều tra mở rộng (giai đoạn II) vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng bọn, ngày 1-9-2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (đều là nguyên thành viên HĐTV PVN) về hành vi "Cố ý làm trái" gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank. Hai bị can Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng bị bắt tạm giam.
Nhiều sai phạm tại Nhiệt điện Thái Bình 2
Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do PVN chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh - Ảnh: WEBSITE PVC
Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT PVC. Trong thời gian này, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố 18 người trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT PVC, cùng với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng của PVN; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC... do liên quan vụ thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng tại công ty này. Cơ quan điều tra xác định, trong giai đoạn từ 2011-2013, lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng
Cụ thể, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC (xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.
Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.
Ngoài ra, PVC tiếp tục "ném" vào 5 công ty con dưới hình thức góp vốn, gồm: Công ty PVC-MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC - Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC - Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC - Mekong 30 tỉ đồng. Kết cục, do có 3 công ty kinh doanh thua lỗ nên PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Mới đây, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo trong quý I -2018, TAND TP Hà Nội sớm đưa ra xét xử 2 vụ án: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tội tham ô tài sản tại PVC; Vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm cũng tham ô tài sản xảy ra ở Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra, trong thời gian tới, TAND TP Hà Nội phối hợp với VKSND và các cơ quan liên quan tập trung, khẩn trương đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank.
Bình luận (0)