Trong một ngày, TAND TP HCM xét xử 3 vụ án nghiêm trọng liên quan đến ma túy. Một án chung thân, 2 án tù 15 và 16 năm là kết cục của 3 bị cáo. Ba hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy họ đi chung một con đường phạm tội, rồi cùng trả giá đắt cho tội ác mình gây ra.
Con “nhúng chàm”, mẹ già quặn đau
Sáng 26-1, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Mai Kim Sen (SN 1959; ngụ quận 4, TP HCM) 15 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Đứng trước vành móng ngựa, Sen khóc nức nở, còn người mẹ già ngồi phía dưới nhìn con, khóc không thành tiếng. Mắt mờ, lưng còng, bà chật vật lên tòa, mang theo hy vọng pháp luật xót thương mà mở lượng khoan hồng. Chủ tọa phiên tòa vừa đọc dứt bản án, bà run rẩy đi lên, chắp tay: “Xin tòa thương xót. Tôi 96 tuổi, gần đất xa trời rồi. Án dài như thế, lúc Sen ra tù chắc tôi đã nằm dưới lòng đất, mẹ con không có cơ hội gặp nhau nữa”. Hai mẹ con cùng khóc, cố gắng nắm tay nhau trước khi cảnh sát làm nhiệm vụ. HĐXX cảm thông, chia sẻ với người mẹ già nhưng không thể làm khác. Đối với những kẻ gieo rắc cái chết trắng, pháp luật nhất quyết nghiêm trị.
Tháng 6-2014, Sen mua gần 40 triệu đồng heroin và ma túy đá của người có biệt danh “Dì Hai” (không rõ lai lịch) rồi phân thành 60 gói nhỏ bán cho con nghiện. Tối 4-6-2014, Sen bị bắt quả tang khi bán “hàng” tại quận 4.
Lóa mắt vì tiền
Ở một phòng xử khác, lời nói và tiếng khóc đan xen. Cũng dính vào cái chết trắng, Trần Thị Kim Chi (SN 1968, quê Hải Dương) ra tòa vì tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Năm 2012, Chi quen biết người nước ngoài tên Simon (không rõ lai lịch) và giúp đối tượng này chuyển hàng ăn cắp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chi thuê Nguyễn Thị Lý (SN 1972, ngụ TP HCM) và Nguyễn Thị Hoàng Lan (SN 1968, ngụ tỉnh Bình Phước) vận chuyển hàng với tiền công 10 triệu đồng/chuyến. Đến tháng 6-2012, Chi và Lan phát hiện Simon giấu ma túy trong lô hàng. Dù thế, Chi, Lý và Lan tiếp tục hợp tác với Simon. Chiều 20-7-2012, Lý mang theo ma túy nhập cảnh Việt Nam. Kiểm tra hành lý, lực lượng chức năng phát hiện trong túi du lịch của Lý có 35 cuộn chỉ giấu trong túi ni-lông, bên trong lớp chỉ chứa tinh thể màu trắng. Theo giám định, số tinh thể trên là ma túy tổng hợp, trọng lượng trên 4,15 kg. Lan và Lý nhận sự trừng phạt thích đáng, còn Chi trốn sang Thái Lan đến tháng 8-2014 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
Ở tòa, tuy khai lòng vòng nhưng Chi không thể chối bỏ tội ác trước bằng chứng vững vàng của cơ quan pháp luật. Cuối cùng, Chi nói trong nước mắt: “Mong HĐXX cứu xét hoàn cảnh éo le. Bị ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ nên bị cáo thất học. Bị cáo nhất thời mù quáng vì tham tiền công cao. Con gái bị cáo nhiễm chất độc da cam, cần có mẹ chăm sóc”.
Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Nếu ai cũng vì bị bạc đãi mà mù quáng gieo rắc tai họa cho biết bao gia đình khác thì xã hội còn gì luân thường đạo lý. Chúng tôi thất vọng vì tội trạng rành rành mà bị cáo cứ chối quanh nhưng luôn cố gắng xem xét tình tiết giảm nhẹ, không ai dồn người phạm tội vào đường cùng”.
Giờ nghị án, luật sư bào chữa đến bên cạnh trấn an, động viên, Chi vẫn không ngừng rơi nước mắt.
Đối mặt với mức án chung thân, có lẽ Chi thực sự thấu hiểu thế nào là “lưới trời lồng lộng... ”.
Dính bẫy “việc nhẹ lương cao”
Cùng phòng xử với Mai Kim Sen, Hồ Văn Nguyên (SN 1991, ngụ TP HCM) nhận 16 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tháng 3-2015, Nguyên gặp và tâm sự với người bạn cũ tên Trí rằng mình đang thất nghiệp. Trí rủ Nguyên về nhà anh ta ở, phụ giúp việc trong gia đình. Hai tháng sau, Trí nhờ Nguyên đi giao ma túy giúp vợ chồng Trí. Nguyên một mực từ chối và chuyển ra ở riêng. Đến tháng 7-2015, do lâm vào cảnh túng thiếu nên Nguyên nhớ đến lời đề nghị “việc nhẹ lương cao” ngày trước. Sau khi nói chuyện qua điện thoại, Trí giới thiệu Nguyên gặp người tên Trai (không rõ lai lịch) mua “hàng trắng” để bán kiếm lời. Chiều 5-7, Nguyên bị công an bắt quả tang khi trên đường đi bán hơn 143 g ma túy. “Bị cáo chỉ học hết cấp 2 nên không có việc làm ổn định. Không có tiền ăn, trả phí thuê nhà, mẹ lại già yếu nên bị cáo nhắm mắt đưa chân. Bị cáo biết mình phạm tội lớn, mong tòa mở lòng độ lượng” - bị cáo Nguyên giãi bày.
Bất chấp pháp luật
Vì khó khăn cá nhân mà bất chấp pháp luật, giẫm lên đạo đức như 3 bị cáo nói trên thì xã hội còn đâu tính công bằng, sự nghiêm minh. Kết quả từ việc dấn thân vào con đường mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chính là cơn ác mộng khi đối mặt với người thân, pháp luật và xã hội.
Bình luận (0)