TAND Tối cao vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 16-12.
Thống nhất, công bằng trong xét xử
Với nghị quyết nêu trên, cơ sở pháp lý cho việc hình thành và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử xem như chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiệu quả của nó còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của quy trình rà soát, lựa chọn, công nhận và công bố án lệ nhằm bảo đảm phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối thiểu nhược điểm của án lệ.
Bàn về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết thông thường, án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng. Vì vậy, những căn cứ pháp lý sẽ được áp dụng trong án lệ và chính án lệ đó sẽ định hướng cho tòa án các cấp áp dụng khi xét xử, tạo sự thống nhất trong công tác xét xử; giúp việc giải quyết các vụ việc tương tự, có những tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau một cách nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc.
TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn LS TP HCM, cho rằng đối với thẩm phán, thừa nhận án lệ đồng nghĩa với việc một bản án, quyết định của tòa án có thể trở thành cơ sở pháp lý áp dụng cho thực tiễn xét xử trong tương lai. Ý thức được trách nhiệm này sẽ tạo cho thẩm phán những áp lực nhất định trong kỹ năng viết bản án và quyết định, nghĩa là chất lượng viết án, quyết định sẽ có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn.
“Những lý lẽ trong án lệ không mang tính tự nhiên mà được thẩm phán tạo ra trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm xét xử của bản thân với việc nghiên cứu, tìm tòi, nắm bắt được ý định của nhà lập pháp. Án lệ được lựa chọn, công bố sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử. Đây cũng là cơ hội giúp thẩm phán hạn chế kết án oan sai” - LS Trạch phân tích.
Nhiều LS còn nhận định rằng việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử sẽ giúp giảm tồn đọng án do không có luật để áp dụng. Tính linh hoạt, mềm dẻo trong hoạt động xét xử cũng sẽ được cải thiện khi bên cạnh việc áp dụng quy định pháp luật hiện hành, thẩm phán vẫn có quyền lựa chọn án lệ. Khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, LS cũng phải nâng cao kỹ năng tìm, đọc và lựa chọn án lệ giống hoặc tương tự vụ việc của mình...
“Khi án lệ được công bố công khai, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân sẽ được nâng cao. Mặt khác, sự oan sai trong hoạt động xét xử sẽ giảm đi...” - LS Trạch kỳ vọng.
Lo bị lạm dụng
Tuy nhiên, LS Trạch lưu ý với bản chất của hệ thống pháp luật Việt Nam và quy định về thừa nhận án lệ thì án lệ có thể hiểu là sự bổ sung, khắc phục cho pháp luật hiện hành khi chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể. Chính điều này có thể dẫn đến sự lạm dụng của thẩm phán trong quá trình làm rõ quy định pháp luật…
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, để bảo đảm án lệ có tính chuẩn mực, cần nâng cao trình độ của thẩm phán và chất lượng tranh tụng tại tòa. Việc tuyển chọn, thẩm định, thông qua và công bố án lệ phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, công khai để người dân, LS, giảng viên, sinh viên luật…. đều có thể tiếp cận. Cần đưa ra quy định chặt chẽ về việc áp dụng án lệ. Tránh trường hợp để xảy ra tình trạng lạm dụng án lệ, coi thường sự hoàn thiện pháp luật thành văn.
Hàng chục năm tham gia công tác thực hành quyền công tố tại các phiên tòa, một kiểm sát viên VKSND TP HCM cho rằng đã là án lệ thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp hành. Vì vậy, phải có hướng dẫn cụ thể để thực hiện án lệ đồng bộ trên cả nước. Ngoài ra, luật cần sửa đổi giới hạn khung hình phạt để xử theo án lệ dễ và nhanh hơn.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên thẩm phán, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM):
Tránh hiểu lầm án chỉ đạo, chạy án
Việc xử theo án lệ sẽ tạo sự công bằng, tương đối khách quan. Bị cáo và thân nhân của họ sẽ tâm phục khẩu phục, không có sự so sánh mức án giữa các bị cáo có hoàn cảnh, nhân thân như nhau mà tòa xử mức án chênh lệch nhau quá nhiều. Áp dụng án lệ cũng tránh cho người dân hiểu nhầm án chỉ đạo hoặc chạy án để rồi khiếu nại, khiếu kiện tràn lan.
Một điểm lợi nữa là áp dụng án lệ sẽ tránh tình trạng thẩm phán xử theo tâm lý hoặc tình hình tội phạm ở địa phương. Có thời điểm, ở Nhà Bè, TP HCM rộ lên tình trạng mại dâm hoặc quận 8 nổi cộm án trật tự trị an. Những người phạm tội thời điểm đó bị xử lý rất nghiêm dù họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, án lệ phải chọn những vụ án chuẩn, những tội danh chưa có hướng dẫn bởi luật thì cô đọng nhưng diễn biến bên ngoài xã hội thì muôn hình vạn trạng, biến đổi theo thời gian. Trước đây, internet chưa phát triển, khi xử những vụ án tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, HĐXX chỉ căn cứ vào số lượng băng đĩa để định khung hình phạt cho bị cáo. Hiện nay, công nghệ bùng nổ, người ta lưu các phim ảnh đồi trụy vào USB thì định khung hình phạt làm sao?
P.Dũng
Bình luận (0)