Văn bản quy phạm dưới luật hướng dẫn cụ thể nguyên tắc, cách thức xác định tang vật trong vụ án ma túy gỡ vướng nhiều vụ án tồn đọng do vấn đề giám định. Dù vậy, những văn bản trên dần bộc lộ mâu thuẫn với nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác. Vấn đề này khiến quá trình điều tra, định khung hình phạt, xét xử đôi khi ách tắc.
Gỡ vướng lâu dài
Năm 2016, từ khi nhiều hướng dẫn cụ thể việc xác định hàm lượng chất ma túy ra đời, công tác xét xử án ma túy gặp nhiều thuận lợi. Đơn cử như sau nhiều phiên tòa xét xử, vào cuối năm 2017, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Mai Thuy (SN 1991, ngụ Bến Tre) tù chung thân, Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, ngụ TP HCM) lãnh án tử hình, cùng về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Hai bị cáo này trải qua 6 lần xét xử, từ năm 2013 đến 2017. Vụ án ì ạch nhiều năm do luật sư, cơ quan xét xử cảm thấy kết quả trưng cầu giám định…có vấn đề. Trong đó, có lần cấp phúc thẩm hủy án vì nhận thấy phải giám định lại hàm lượng chất ma túy có trong tang vật. Tại phiên xử cuối cùng, luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh vẫn yêu cầu giám định làm rõ hàm lượng chất ma túy nhưng căn cứ những quy định mới, HĐXX nhận thấy không cần thiết.
Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn Luật sư TP HCM) đây là vụ án điển hình được Công văn 2955/CSĐT, Thông tư 08/2015, Thông tư 17/2007 (hướng dẫn rất rõ nhiều vấn đề liên quan đến giám định hàm lượng chất ma túy) "khơi thông". Mới nhất, điều 206 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu chất ma túy là trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định.
Sau đó, Bộ Công an ban hành Công văn số 2101/C41-C44 hướng dẫn giải quyết các vụ án về ma túy. Trong công văn có nội dung: "Trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ Luật Hình sự; không được kết luận "là chế phẩm heroin", "có thành phần heroin" hoặc "có heroin" mà phải thống nhất trả lời kết luận là "mẫu bột/tinh thể/viên nén gửi giám định là ma túy/tiền chất, có trọng lượng (khối lượng)… gam (kilôgam) là (loại): Heroin (cocain, amphetamine, methamphetamine, MDMA…)".
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh (trái) và Đinh Thị Mai Thuy sau khi bị tuyên án
"Chỏi" nhau
Dù vậy, sau thời gian dài tồn tại, một số nội dung trong văn bản hướng dẫn bộc lộ không ít vấn đề. Luật sư Nguyễn Thành Long (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) phản ánh Luật Giám định tư pháp nghiêm cấm cá nhân, tổ chức cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định sai. Trong khi đó, Công văn 2955/CSĐT thể hiện rõ việc cơ quan công an can thiệp, chỉ đạo hoạt động giám định tư pháp.
Luật sư Long phân tích: "Trong hầu hết vụ án ma túy, tang vật thu giữ chủ yếu là ma túy tổng hợp. Do đó, nếu giám định viên kết luận tổng khối lượng ma túy tổng hợp là "chất ma túy" (theo Công văn 2955/CSĐT) thì tòa án có thể xem đây là nội dung kết luận sai sự thật". Như vậy, giám định viên dễ lâm cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi làm theo hay không đều phải chịu trách nhiệm.
Tương tự, hướng dẫn bắt buộc trưng cầu giám định đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại Thông tư 08/2015 khó thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, Bộ Y tế quy định thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy mà pháp luật cho phép). Chưa kể, Công văn số 2955/CSĐT (C44) không đề cập rõ việc giám định "thuốc" hay "chất". Bất cập này dẫn đến thực trạng đối với tang vật trong vụ án ma túy, bất kể là thuốc, cơ quan giám định đều kết luận là chất ma túy (theo Công văn 2955/CSĐT).
Luật sư Hoàng Tư Lượng nhận định Bộ Luật Hình sự 2015 không quy định "Lấy tổng khối lượng ma túy, kể cả trong trường hợp có pha trộn với các chất khác" để làm căn cứ định khung hình phạt nhưng hiện nay đa phần tang vật thu giữ trong vụ án ma túy không phải là tinh chất mà là ma túy dạng tổng hợp. Việc chứng minh chính xác hàm lượng là yếu tố có phần quyết định trong định khung hình phạt. Trong quá trình xét xử, HĐXX chỉ chấp nhận giám định lại khi cơ quan công tố, người bào chữa, bị cáo đưa ra chứng cứ rõ ràng nhất; mà tình huống này ít xảy ra.
Thiếu trang thiết bị, máy móc giám định
Luật sư Nguyễn Thành Long cho rằng để bảo đảm quyền con người, công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án chính xác, thống nhất thì trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác giám định cần được coi trọng ngay tại địa phương. Hiện nay, chỉ có cơ quan giám định tại Bộ Công an hay một số tỉnh, thành lớn mới có điều kiện đầu tư.
Bình luận (0)