Kể với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Lăng Nam Phương (SN 1985, ngụ quận 5) cho hay từ ngày chồng mất, chị sống rất khổ sở, ba đứa con thì đêm nào cũng khóc. "Không khí trong nhà rất tang thương. Cứ đến tối là đứa nhỏ xin mẹ mang chăn mền ra trải dưới bàn thờ của ba để ngủ" - người phụ nữ nói.
Đánh hội đồng sau cãi vã
Theo chị Phương, tai họa giáng xuống gia đình từ chiều 24-8. Khi ấy, chị đang dọn dẹp nhà cửa thì có người chạy đến bảo chồng chị là anh Diệp Tấn Thanh (SN 1986) bị côn đồ đánh bất tỉnh. Tất tả chạy xe đến đường Hoàng Ngân, phường 16, quận 8, chị Phương thấy chồng ngồi trên ghế đá trong tình trạng kiệt sức vì mất máu. Anh Thanh lập tức được đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Nhờ trích xuất camera và hỏi người dân xung quanh, chị Phương biết trước đó có 5 người đi trên 2 xe máy trên đường Hoàng Ngân, khi đến khúc cua thì va chạm nhẹ với xe máy anh Thanh. Tiếng cãi vã nổi lên rồi người của nhóm này xông vào đánh hội đồng cho đến khi anh Thanh bất động.
Mẹ con chị Lăng Nam Phương bên di ảnh của người chồng Ảnh: SỸ HƯNG
Ngày hôm sau, Nguyễn Minh Hùng (SN 1989, ngụ quận Bình Tân), Phạm Chí Hiếu (SN 1992, ngụ quận 6) và Huỳnh Trọng Nhân (SN 1998, ngụ quận 8) đến trụ sở công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam cả ba về tội "Cố ý gây thương tích".
"Có ai thấu hiểu được nỗi đau của 3 mẹ con tôi?. Nếu hôm đó nhóm thanh niên này không ra tay tàn ác thì chồng tôi đâu có chết. Anh ấy là trụ cột trong gia đình, giờ không còn nữa thì mẹ con tôi biết sống sao đây" - chị Phương bật khóc, đồng thời bày tỏ sự khó hiểu khi Hùng, Hiếu, Nhân không bị khởi tố về tội "Giết người".
Cần giáo dục từ nhỏ
Những sự việc có nguyên nhân từ những xích mích nhỏ nhặt trong quá trình tham gia giao thông rồi dẫn tới hậu quả lớn như trường hợp anh Thanh không phải là hiếm.
Ngày 21-9, Công an TP HCM cho biết đang xác minh tin báo giết người ở đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp do một người chưa rõ lai lịch gây ra. Theo đó, rạng sáng 12-4, anh L.Q.T (SN 2002) chạy xe máy chở anh N.Q.K (SN 2000) từ quận 12 về Gò Vấp. Khi cả hai di chuyển đến trước một căn nhà trên đường Quang Trung thì dừng chờ đèn đỏ. Lúc này, một đôi nam nữ chạy xe máy tới và xảy ra va chạm với xe của T. Hai bên tranh cãi, bất ngờ, thanh niên chở theo người phụ nữ rút tua-vít tấn công T. Thấy vậy, K. lao vào can ngăn thì bị thanh niên kia đâm nhiều nhát vào phần đầu. K. được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó thì tử vong.
Cũng tại quận Gò Vấp, chiều 6-4, trời mưa nên đường Phạm Văn Chiêu kẹt xe, anh N.T.H (SN 2001) ra tham gia điều tiết giao thông. Tại đây, giữa anh này và Lương Quốc Tuấn (SN 1972) xảy ra tranh cãi. Bị H. đánh, Tuấn đã dùng hung khí đáp trả và H. tử vong. Sự việc diễn ra ngay trước mặt con gái Tuấn.
Còn tại quận 4 ngày 9-5, Trương Hồng Phước (SN 2004) xảy ra va chạm giao thông với nam thanh niên tên L.V.D (SN 2000). Sau đó, Phước về chung cư kể cho nhóm bạn nghe. Do quen biết từ trước nên nhóm Phước đến khu vực D. sinh sống tìm gặp và tấn công khiến anh D. tử vong. Phước cùng 3 đồng phạm sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người…
Nói về những vụ việc như trên, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - nhìn nhận rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra vì ý thức tham gia giao thông kém của một số người dân.
Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, đặc điểm giao thông ở các thành phố lớn là lưu lượng xe dày đặc, kẹt xe, ngập nước khiến tâm trạng người điều khiển giao thông bị căng thẳng. Chưa kể, nhiều trường hợp uống rượu bia nên tinh thần và cảm xúc không như người bình thường, rất dễ có hành động bột phát nếu xảy ra va chạm.
"Nhiều bị cáo khi ra tòa và đối diện mức án nghiêm khắc mới thấy ăn năn hối cải. Cho nên, để tránh bị pháp luật trừng phạt thì mỗi người tham gia giao thông phải cẩn thận, khi xảy ra va chạm nếu không đến mức phải nhờ đến CSGT thì có thể vui vẻ cho qua. Nếu cảm thấy một trong hai bên không thể giải quyết ổn thỏa thì có thể gọi CSGT, công an địa phương đến lập biên bản sự việc" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói, đồng thời nhấn mạnh gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh về ý thức tham gia giao thông nhằm hình thành văn hóa giao thông khi các em còn nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Việt Thành, công tác tại Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, cho rằng bản thân con người mỗi ngày ra đường với bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, gánh nặng gia đình và áp lực công việc dễ khiến hành xử thiếu văn minh khi tham gia giao thông cũng như ưu tiên sử dụng bạo lực trước mỗi tình huống.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng không thể ngày một ngày hai là có được. Nó phải được giáo dục, rèn giũa trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Những hành vi sai trái phải sớm được điều chỉnh và có biện pháp ngăn chặn thì lâu dần mới tạo thành thói quen, phản xạ tốt khi ứng xử với cộng đồng. "Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đến hiện tượng thiếu văn minh trên đường để xây dựng các quy định, chế tài nghiêm khắc hơn" - ông Thành nói.
Nỗi đau dai dẳng
Dù đã 6 năm trôi qua nhưng gia đình anh L.V (SN 1984, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) vẫn không nguôi nỗi đau sau cái chết tức tưởi của anh V.
Sự việc xảy ra vào chiều 19-8-2016, tại ngã tư Nguyễn Văn Bứa - Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn). Lúc này, dù tuyến đường này đang kẹt xe nhưng anh V. vẫn bóp còi liên tục khiến một nam thanh niên nổi nóng dùng dao đâm anh V. tử vong tại chỗ.
Bình luận (0)