Trước việc tiếp tục bị bãi miễn chức vụ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng nhấn mạnh sẽ yêu cầu xử lý hình sự những người đi ngược lại phán quyết của tòa án, ngăn cấm và cản trở bà trở về quản lý, điều hành Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
"Không ai được quyền ngăn cản"
Bà Thảo khẳng định sẽ ngay lập tức trở về Tập đoàn Trung Nguyên để tiếp tục điều hành, quản lý. Bà cho biết đã chuẩn bị các chiến lược phát triển đúng đắn cho Trung Nguyên sau một thời gian bị lũng đoạn.
Bà cũng đặc biệt dành sự quan tâm cho việc thu hút nhân tài để tái cấu trúc Tập đoàn Trung Nguyên sau một thời gian vắng mặt.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tuyên bố sẽ yêu cầu xử lý hình sự ai cấm bà về lại Trung Nguyên
"Sau khi tôi được khôi phục chức vụ thì nếu các cá nhân, nhóm người nào cản trở quyền hợp pháp tôi tại Trung Nguyên, nghĩa là không chấp nhận bản án, không chấp hành quy định của tòa án, khi đó tôi có quyền đề nghị xử lý hình sự các đối tượng này theo quy định của pháp luật hiện hành" - bà Thảo cương quyết.
Trước đó, sáng 20-9, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được khôi phục chức danh cũng như phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên không có quyền ngăn cấm, cản trở bà tham gia điều hành, quản lý công ty.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục bãi nhiệm bà Thảo sau khi tòa tuyên án
Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập từ năm 2006 sau khi ông Vũ và bà Thảo kết hôn được 10 năm. Tại thời điểm thành lập thì đây chỉ là một công ty nhỏ, bà Thảo sở hữu 10% vốn điều lệ và đồng thời sở hữu 50% trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trong đó, bà Thảo sở hữu 30% vốn còn ông Vũ sở hữu 70% vốn Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
Năm 2014, với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực đối với bà Thảo. Nhiều lần yêu cầu ông Vũ thu hồi quyết định nhưng đều bị khước từ nên bà Thảo đã nộp đơn khởi kiện ra TAND TP HCM.
Vì sao phải khôi phục chức danh cho bà Thảo?
Trong hồ sơ vụ án, phía bà Thảo chỉ cung cấp cho tòa án quyết định bãi nhiệm chức danh không số, không ngày, tháng vì bà chỉ nhận được qua email. Trong khi đó, phía ông Vũ trưng ra quyết định có số và rõ ngày, tháng. Tuy nhiên, cả hai quyết định bãi nhiệm này đều có nội dung giống nhau nên tòa có cơ sở để xem xét.
Về lý do khôi phục chức danh cho bà Thảo, tòa nhận định rằng phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên được xem là chức danh quản lý quan trọng của công ty. Bởi lẽ, trong nhiều năm liên tục, bà Thảo đã thay mặt ông Vũ thực hiện việc quản lý, điều hành.
Cụ thể, bà Thảo đã ký duyệt tất cả văn bản, quyết định, hợp đồng, tài liệu giao dịch của công ty thuộc phạm vi quyền hạn của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Bà Thảo còn ký duyệt tờ khai quyết toán thuế thuộc phạm vi giải quyết của ông Vũ. Bà Thảo cũng là người ký duyệt tài liệu, giao dịch với ngân hàng nhân danh và thông qua tài khoản ngân hàng của công ty…
Trong một diễn biến liên quan, tối 21-9, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên đã phát đi thông cáo báo chí rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, với tư cách là Tổng giám đốc công ty, đã bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Thông cáo này có đoạn: "Mục đích của bà Thảo là chiếm trọn Tập đoàn Trung Nguyên nên bà Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt buộc phải là người tâm thần, người mất năng lực hành vi dân sự. Luôn có một kế hoạch bài bản cho lộ trình thực hiện dã tâm của bà Thảo".
Bình luận (0)