Ngày 30-5, phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 12. Phần đối đáp giữa luật sư (LS) và đại diện VKS nóng lên khi LS cho rằng có dấu hiệu xóa dấu vết hiện trường.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (thứ 2 từ trái qua) rời phiên tòa ngày 30-5
LS Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương cho rằng hồ sơ thể hiện sự cố tai biến y khoa xảy ra vào sáng 29-5-2017 nhưng đến 16 giờ cùng ngày BVĐK tỉnh Hòa Bình mới báo cáo sự việc lên cơ quan công an. "Ai chỉ đạo việc xóa dấu vết hiện trường? VKS đã thực hiện giám sát quá trình điều tra, nên có kết quả này để chúng tôi tranh tụng tại tòa. Việc xóa dấu vết, thay đổi hiện trường ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Chúng tôi đề nghị VKS phải có quan điểm về vấn đề này" - LS Phúc nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề này, đại diện VKS khẳng định trong quá trình giám sát đã thực hiện đầy đủ chức trách. Về việc xóa dấu vết hiện trường, VKS cho rằng nếu LS phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ thì đề nghị HĐXX xem xét. Đồng thời, đại diện VKS khẳng định với trách nhiệm kiểm sát hồ sơ sẽ có báo cáo lên cơ quan cấp trên khi phát hiện dấu hiệu. Trong phần tranh tụng, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với BS Lương.
HĐXX kết thúc phần tranh tụng, cho phép các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án. BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Thiết bị - Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) gửi lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Bị cáo Quốc nói từ khi sự cố xảy ra, bản thân đã nhận thức rất rõ lỗi ở mức độ nào. Do vậy, bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết khách quan dẫn đến hành vi vi phạm, hoàn cảnh gia đình để tuyên mức án thấp nhất.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Sơn xin phép HĐXX được chia sẻ về công việc liên quan đến trang thiết bị, vật tư y tế mà mình làm trước đây. "Thực tế không chỉ hệ thống nước RO, hầu như nhiều thiết bị khác trong bệnh viện như máy thở, máy gây mê, khi bị cáo nhận bàn giao từ công ty sửa chữa sau đó sẽ bàn giao luôn lại cho khoa sử dụng; không có đơn vị nào đứng ra kiểm tra chất lượng sau sửa chữa đã bảo đảm hay chưa" - bị cáo Sơn trần tình.
Bị cáo Sơn kiến nghị những thiết bị y tế sau khi sửa chữa cần phải có đơn vị đủ chức năng kiểm tra chất lượng, phải có cơ chế tạo điều kiện cho người đang công tác trong lĩnh vực vật tư y tế để kiểm soát được chất lượng thiết bị sau khi sửa. Cuối cùng, Sơn mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm quay về với gia đình, có cơ hội khắc phục hậu quả đã gây ra.
Là người bước lên bục khai báo cuối cùng, BS Hoàng Công Lương cảm thán: "Điều mà bị cáo và các nhân viên y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình đau đớn nhất là không cứu chữa được tất cả các bệnh nhân thời điểm xảy ra sự cố". Theo BS Lương, sau 12 ngày xét xử, anh khẳng định hoàn toàn vô tội, mong HĐXX xem xét đúng bản chất vụ án, công tâm, tránh oan sai cho người không phạm tội, tuyên bị cáo không có tội để tiếp tục công việc khám chữa bệnh.
Do vụ án có tính chất phức tạp, HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án; sẽ tuyên án vào ngày 5-6.
Bình luận (0)