Vậy ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng ra sao về mức án 8 năm tù dành cho bị cáo?
Đặng Hữu Anh Tuấn bị dẫn giải ra xe sau phiên xử sơ thẩm. Ảnh: P.Dũng
Mức án có phần nhẹ
VKSND TPHCM kháng nghị tăng hình phạt
Trao đổi với chúng tôi chiều 29-3, ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TPHCM, nói trước hết không nên lấy vụ án này để so sánh với vụ án xảy ra tại tỉnh Bình Thuận và Tây Ninh trước đó, bởi lẽ mỗi vụ án có một đặc thù riêng. Theo ông Danh: Đối với hai vụ án kia, tài xế đụng trực diện nạn nhân, khi nạn nhân văng ra, tài xế cho xe cán luôn. Đó là lỗi cố ý trực tiếp.
Trong vụ án này, nếu xét về lỗi gây nên tai nạn giao thông, bị cáo không có tội (nạn nhân vấp chướng ngại vật, té ngã văng vào bánh xe container và bị cán trúng đôi chân). Bị cáo bị truy tố tội giết người ở khoản 2 điều 93 là do bị cáo đã biết gây tai nạn nhưng không chịu dừng xe cứu người; bị động nghe theo mệnh lệnh dưới đất, đến lúc hoảng loạn thì bỏ chạy, gây nên cái chết cho nạn nhân. Trong trường hợp này không có căn cứ để nói bị cáo muốn cán chết để chỉ bồi thường một lần (và cũng không được suy diễn vì theo nguyên tắc hình sự, nếu suy diễn phải có lợi cho bị cáo, không được theo chiều hướng bất lợi).
Xét về nhân thân, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, bản chất là người lương thiện, thái độ khai báo thành khẩn, đã bồi thường một phần cho gia đình bị hại; ngoài ra, HĐXX cũng đánh giá tâm lý của bị cáo trong bối cảnh đó để đưa ra mức án như vậy. Bản án của TAND TPHCM đối với vụ án giết người này có căn cứ, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Tuy nhiên, xét tính chất của vụ án, mức án 8 năm tù có phần nhẹ dù nằm trong khung quy định (7-15 năm tù). Mức án theo đề nghị của VKSND TPHCM tương đối phù hợp hơn.
Ngày 29-3, VKSND TPHCM đã có văn bản kháng nghị gửi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, yêu cầu Tòa Phúc thẩm xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm tăng hình phạt về tội giết người đối với Đặng Hữu Anh Tuấn. Theo đó, việc TAND TPHCM xử phạt bị cáo Tuấn 8 năm tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả mà bị cáo đã gây ra.
Ông Danh cũng nói thêm: Dư luận chưa đồng tình với bản án sơ thẩm đã tuyên, tuy nhiên vụ án còn trong giai đoạn tố tụng, có nghĩa là bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Vì thế, đại diện gia đình nạn nhân có quyền kháng cáo bản án cả hai mặt dân sự lẫn hình sự (đề nghị tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt), VKSND cùng cấp được quyền kháng nghị (cũng về hai nội dung trên) trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án; VKSND cấp trên được quyền kháng nghị (cũng về hai nội dung trên) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án.
Ý thức chủ quan của bị cáo: Cố ý cán người
Ông Trần Thật, Chánh Văn phòng VKSND TPHCM, phân tích biên bản thực nghiệm điều tra ngày 16-6-2009 xác định tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn và phụ xế Nguyễn Văn Quyền có nhìn thấy rõ nạn nhân bị cán ở hàng bánh xe thứ 4. Khi anh Lê Phước Tươi đứng trước đầu xe kêu: “De xe lại để tôi cứu đứa bé”, cả lái xe và phụ xe đều nghe rõ.
Như vậy, lúc đầu tài xế chỉ cán nạn nhân ở phần đùi, đáng lý phải dừng xe để cấp cứu người bị nạn nhưng bị cáo đã không làm mà lại chạy tới, de lui rồi chạy tới trong điều kiện nhìn thấy nạn nhân và người đi đường kêu la. Như vậy, dù khó xác định động cơ mục đích của bị cáo nhưng dựa trên hành vi này có cơ sở khẳng định ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý cán người. Bị cáo khai là do hoảng loạn nhưng lời khai này không có cơ sở. Nói tóm lại, dù với động cơ gì thì hành vi đó cũng quá dã man, đáng lên án. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo đến đâu thì xử lý đến đó, đừng nên suy diễn, ông Thật nói.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ bên lề phòng xử, một kiểm sát viên của VKSND TPHCM nói, bản án ngoài việc trừng phạt, giáo dục bị cáo còn có ý nghĩa lớn lao hơn là răn đe và phòng ngừa chung đối với xã hội. Trong tình trạng tai nạn giao thông đang gia tăng phổ biến như hiện nay, thực tế luồng tư tưởng “cán chết rồi bồi thường một lần” không phải là không có, việc vận dụng những tình tiết như nhân thân bị cáo tốt, khai báo thành khẩn, đã bồi thường một phần..., để giảm nhẹ hình phạt như thế thì chỉ mới có tác dụng một chiều, chưa đáp ứng được nhiệm vụ răn đe, giáo dục đối với xã hội.
Lời kể của nhân chứng
Anh Lê Phước Tươi (người đi đường) đến hôm nay vẫn còn bức xúc khi kể lại sự việc cho chúng tôi. Anh nói: “Trong lúc cùng gia đình đi ăn tối về, ngang qua quán Cây Sung, tôi thấy cháu Hội đang nằm dưới bánh xe container. Tôi dừng xe lại, chạy đến xốc hai cánh tay Hội để kéo ra nhưng không được. Hội bấu chặt tay tôi, tôi nói cháu buông tay ra để lên kêu tài xế lùi xe đưa cháu đi cấp cứu.
|
Bình luận (0)