Đây không phải lần đầu tiên người đàn ông này ra tòa. Dù vậy, đứng trước bục khai báo, anh ta vẫn gục mặt, thỉnh thoảng mới dám liếc mắt về phía sau...
Liều mình vì túng thiếu
Bị cáo ấy - T.H.T, SN 1978, ngụ TP HCM - đã có 3 tiền án: Hai lần vì cướp giật tài sản và một lần do mua bán trái phép chất ma túy. Sự thông cảm của mọi người dành cho bị cáo vì thế cũng giảm đi ít nhiều.
Quên đi tất cả, gần đó, ánh mắt xót xa, thương cảm của 2 người phụ nữ - một già, một trẻ - vẫn ứa tràn. Họ nhấp nhổm, thỉnh thoảng lại rướn người lên, như muốn chạm được dù chỉ một chút vào bị cáo phía trên. Thế nhưng, tất cả chỉ là vô vọng trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ vận chuyển trái phép chất ma túy này.
Theo cáo trạng, T. tình cờ gặp lại Tuấn, kẻ quen nhau lúc chấp hành án tại Trại giam Thủ Đức. Đến nhà T. chơi, Tuấn đưa cho anh ta 1 gói ni-lông màu đen và bảo cất giữ giúp. Khi T. hỏi bên trong là gì, Tuấn trả lời "đó là gạo" nhưng anh ta biết đó là heroin.
Bị cáo T.H.T gặp người thân trước khi bị dẫn giải
Sau khi bỏ đi, Tuấn nói qua điện thoại, bảo T. cầm gói heroin (nặng 333,1 g) giao cho một người chị của gã tại chung cư COPAC (quận 4, TP HCM) và mang tiền về cho gã. Tuấn hứa khi T. xong việc sẽ được trả công 1 triệu đồng. Nhà đang túng thiếu, bao thứ tiền cần lo cho 2 đứa con mới 5 tuổi và chưa đầy 2 tuổi…, chính trong phút quyết định liều mình đã đẩy T. đến phiên tòa này.
Vị chủ tọa nghiêm khắc hỏi: "Tại sao biết đó là ma túy mà bị cáo vẫn chấp nhận vận chuyển?". T. gục đầu, ngập ngừng một lúc rồi biện minh: "Bị cáo đồng ý vận chuyển ma túy vì túng thiếu. Tuấn hứa khi giao cho chị họ anh ấy xong, bị cáo sẽ có 1 triệu đồng mua sữa cho con".
Ngồi dưới hàng ghế thân nhân, người vợ trẻ nhỏ bé gầy gò khóc hết nước mắt khi thấy dáng chồng, nghe lời chồng khai. Người phụ nữ bao dung đó chưa từng nghĩ đến cảnh này.
Khi mới quen, dù biết được quá khứ từng vào tù ra khám của T. nhưng chị vẫn thương và đồng ý cùng anh ta đi hết cuộc đời. Kết hôn khi cả hai vẫn trắng tay, mặc cảm tù tội bủa vây, sợ ánh nhìn định kiến của xã hội, người chồng không dám đi xin việc, chỉ buôn bán nhỏ vài món đồ cũ. Người vợ bán đồ ăn vặt chưa đủ tiền để dành thì 2 con tiếp nhau ra đời. Hạnh phúc trong sự chật vật đó những tưởng sẽ co kéo được nào ngờ giờ vụn vỡ. Từng phút trôi qua, chị cố vớt vát từng tia hy vọng nhỏ nhoi, mong tòa khoan hồng, cho chồng mình thêm cơ hội.
Tự tước bỏ cơ hội
Khi tòa nghị án, tất cả phải ra ngoài. Người vợ vẫn đứng mãi trước cửa nhìn về phía chồng. T. ngồi tựa lưng vào tường, cũng quay lại nhìn vợ mãi. Tuy chỉ cách nhau vài mét nhưng ranh giới giữa họ là bản án chung thân dành cho kẻ phạm tội.
"Hai đứa bé còn quá nhỏ để biết ba nó tù tội. Mỗi lần cháu hỏi sao ba đi đâu chưa về, tôi nói: "Ba đi hợp tác lao động ở xa kiếm tiền về mua sữa cho con với em" - ông T.V.H (SN 1954, cha của T.) chua chát. Ông cho biết 2 lần trước, T. vướng vòng lao lý vì cướp giật tài sản nhưng trớ trêu thay, lúc là sợi dây chuyền rất nhỏ, lúc chỉ là chiếc đồng hồ Casio của học sinh. Đến ngay cả người nhà của nạn nhân cũng mỉa mai: "Đã cướp giật thì cũng phải biết cái nào đáng giá mà cướp, đằng này chiếc đồng hồ của con tôi thì có giá trị gì đâu"… Con dại cái mang. Người cha ngậm ngùi kể và thú nhận ông thất bại trong việc nuôi dạy con nên người.
Khi tòa tuyên án, người mẹ chết lặng, còn người con dâu bên cạnh nấc lên thành tiếng, nước mắt rơi lã chã. Sự tuyệt vọng của gia đình như bao trùm phiên tòa.
T. ngoái lại nhìn vợ, gương mặt tối sầm, đôi mắt của sự tiếc nuối và hối hận muộn màng. Ra khỏi phòng xử, trong lúc chờ cảnh sát giải phạm nhân ra, chân 2 người phụ nữ như khụy xuống. Họ ngồi bệt trước hành lang, tựa lưng vào nhau, không ai nói câu nào. Không thể chờ đợi lâu hơn, người vợ nhìn về phía chồng và không ngừng khóc. Từ bên trong, T. rưng rưng ra hiệu bảo vợ lau nước mắt.
Nhìn hoàn cảnh gia đình, luật sư bào chữa cho bị cáo cũng xót xa, lắc đầu: "Phải chi trước đây anh ta chưa từng phạm tội thì đã không đến nỗi. Đây cũng là một trong những trường hợp đau lòng mà tôi từng làm việc. Cô vợ tội nghiệp quá, chạy vạy khắp nơi để lo giấy tờ thủ tục. Mỗi lần nhắc tới chồng, cô ấy khóc rất nhiều".
Những yêu thương, níu kéo đều trở nên muộn màng khi kẻ phạm tội chạm đến giới hạn công lý. Hai lần tù tội vì cướp giật tài sản và giờ lại một lần nữa thách thức pháp luật khi vận chuyển trái phép chất ma túy. T. đã có quá nhiều lần lựa chọn nhưng chính anh ta đã tự tước đi quyền quay lại của mình. Có lẽ đây sẽ là bản án cuối cùng trong đời T., song song là bản án day dứt về trách nhiệm đối với gia đình, với người vợ thiếu hơi ấm của chồng và với những đứa con luôn ngóng chờ bước chân người cha mỗi khi chiều xuống.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo T.H.T án tù chung thân về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Bình luận (0)