Được dẫn giải đến tòa, bị cáo Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, quê Cần Thơ) liên tục khóc và hỏi người thân về sức khỏe con trai mình. Do Nhờ phạm tội trong độ tuổi vị thành niên nên tòa đã triệu tập mẹ bị cáo với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đạp để bé hết khóc!
Tháng 7-2013, chị Võ Thị Huyền (quê Nghệ An) gửi con trai Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) cho Nhờ trông giữ với giá 1,5 triệu đồng/tháng.
Sáng 16-11-2013, như mọi ngày, chị Huyền đưa bé Long đến phòng trọ mà Nhờ tạm trú. Sau khi ăn cơm, Long ngồi chơi được một lúc thì khóc. Thấy vậy, Nhờ quát: “Nín đi, khóc hoài, giận tao đánh bây giờ” nhưng Long lại khóc lớn hơn. Tức giận, Nhờ nhấc bé Long lên khoảng 90 cm và dọa: “Tao ném luôn bây giờ, nói không nghe lời gì hết”. Vừa dọa xong, Nhờ tuột tay làm rơi bé Long xuống đất. Thấy Long khóc thét, Nhờ dùng chân đạp mạnh vào bụng, ngực rồi đi vào phòng vệ sinh, để mặc bé nằm khóc.
Khoảng 25 phút sau, quay lại và thấy bé Long nằm im, Nhờ hô hấp nhân tạo làm cơm trào ra miệng. Lo sợ, Nhờ nhờ người hàng xóm đưa bé Long đến bệnh viện nhưng bé đã tử vong do vỡ tim và gan, tràn máu ổ bụng…
“Một đứa bé mới 18 tháng tuổi mà bị cáo nỡ xách ngược lên cao, để tuột tay rơi xuống đất, dùng chân giẫm đạp lên cơ thể rồi bỏ mặc cháu thoi thóp trên nền nhà. Cũng có con nhỏ như bé Long, sao bị cáo lại tàn nhẫn vậy?” - chủ tọa truy vấn.
Nghe xong, Nhờ khóc và trả lời: “Do hôm đó Long không chịu ăn mà cứ khóc thét nên bị cáo mới đưa bé lên cao để dọa nhưng không may bị tuột rớt xuống đất…”.
“Vậy sau đó, vì sao bị cáo để cháu Long nằm một mình rồi bỏ ra ngoài?”. Nhờ kể lại: “Sau khi đi vệ sinh vào, thấy bé Long nằm bất động, bị cáo mới hốt hoảng và nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu”.
Mức án cao nhất cho người chưa thành niên
Vị hội thẩm hỏi mẹ bị cáo: “Sau khi vụ việc xảy ra, bà có đến hỏi thăm, giúp đỡ gia đình nạn nhân một phần nào để an ủi họ hay chưa?”. Mẹ bị cáo Nhờ chỉ nói rằng: “Dạ, không biết”.
“Bị cáo phạm tội lúc chưa thành niên thì ít ra, bà cũng phải có trách nhiệm đối với hành vi của con mình, phải thăm hỏi gia đình nạn nhân. Đằng này, khi tòa hỏi con mình mấy tuổi, lên thành phố làm việc từ khi nào, có thăm hỏi gia đình nạn nhân hay không, bà đều không biết. Như vậy, làm sao con không dại” - đại diện HĐXX phân tích.
Với dáng người đen đúa, u buồn, chồng Nhờ lặng lẽ theo dõi phiên tòa. Khi tòa nghị án, anh cho biết hai vợ chồng có một con trai 3 tuổi. Anh làm công nhân tại một xưởng gỗ. Từ lúc sinh con, Nhờ không có việc làm nên ở nhà giữ trẻ kiếm tiền. Thu nhập của gia đình anh không ổn định. “Khi bé Long khóc, Nhờ không kiềm chế được cảm xúc mới sinh ra chuyện” - chồng của Nhờ nói.
Người thanh niên này bộc bạch: “Sau khi xảy ra vụ án, Nhờ bị tạm giam, con không có ai chăm sóc. Do chúng tôi chưa đăng ký kết hôn, khi Nhờ đi tù, con trai cũng không thể làm giấy khai sinh. Tội của Nhờ thì pháp luật sẽ trừng trị nhưng không biết sau này cuộc đời thằng nhỏ sẽ ra sao khi không có khai sinh, thông tin về mẹ nó đầy rẫy trên mạng…”.
HĐXX nhận định: “Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sống của người khác, đặc biệt là trẻ em, xem thường pháp luật, gây phẫn nộ cho người dân. Mặc dù cân nhắc phần bào chữa của luật sư và những tình tiết giảm nhẹ nhưng cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc mới tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, đồng thời để giáo dục, răn đe và phòng ngừa”. Từ những nhận định này, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Nhờ 18 năm tù về tội giết người, mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên phạm tội.
Bình luận (0)