Chiều tối 24-10, liên quan vụ việc gần 600 người nghiện tràn ra đường trong đêm 23-10 tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, lực lượng chức năng đã đưa về trại được 400 người.
Nhiều lần đào tẩu
Báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai cho biết vụ việc bắt đầu khoảng 19 giờ 30 phút ngày 23-10 tại phòng 2 và 3 của khu E - quản lý người không có nơi cư trú ổn định. Theo xác minh ban đầu, 2 học viên tại 2 phòng trên đã đập vỡ bóng đèn rồi dùng mảnh vỡ cắt vào cổ khiến chảy máu. Tiếp đó, 2 người này chửi bới và ép những người còn lại trong các phòng đập phá cửa để đào tẩu.
Chỉ trong vài chục phút, toàn bộ học viên ở 2 phòng tràn ra ngoài kích động và đập thủng tường các phòng ở khu A1, F, G. Hàng trăm người cầm theo gậy, bình cứu hỏa mini và bất kỳ thứ gì vớ được để chống trả lực lượng bảo vệ. Sau đó, những đối tượng đào tẩu kéo nhau gây náo loạn trên Quốc lộ 1, có người còn đập kính ô tô xin tiền, 1 nhà dân bị đập vỡ tủ kính. Trong gần 600 học viên bỏ trốn có 220 người mới đưa được vào trại, đang chờ quyết định điều trị lâu dài; số còn lại thuộc diện đã có quyết định điều trị bắt buộc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết lúc hàng trăm học viên phá trại, lực lượng cán bộ, nhân viên, bảo vệ tại chỗ có chưa đầy 100 người. Với vai trò “hướng đạo là chính”, lại đang giờ nghỉ nên lực lượng này không thể làm gì được. “Nhiều học viên trà trộn trong khu dân cư nên sở và trung tâm kêu gọi sự hỗ trợ cũng như cảnh báo các địa phương lân cận cần có biện pháp kiểm soát, theo dõi. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với gia đình người nghiện để giải quyết tình hình” - ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, hiện chế độ tài chính được cấp cho các học viên là 40.000 đồng/người/ngày. Số lượng học viên cai nghiện trên toàn tỉnh tập trung toàn bộ ở trung tâm, tuy chưa quá tải nhưng cũng không thể tiếp nhận thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ chế quản lý, chế tài để không xảy ra tình trạng trên, ông Lộc cho biết hiện nay, lực lượng mỏng, cơ chế kiểm soát theo hướng giáo dục là chính, trong khi số lượng người có nhu cầu cai nghiện khá nhiều nên rất khó quản lý. Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai rộng gần 5 ha, có tổng số 1.400 học viên, được xây dựng ở nơi tương đối vắng vẻ, với 8 dãy hơn 40 phòng, bao bọc 4 phía bằng tường cao rào thép gai. Trong mấy tháng gần đây, trung tâm này đã để xảy ra 3 vụ trốn trại với số lượng hàng chục học viên đào thoát chưa bắt lại được hết.
Quá tải
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sau khi xảy ra vụ việc 525 học viên trốn khỏi Trung tâm Giáo dục lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 6-2016, tình hình của trung tâm đã ổn định, tâm lý của các học viên cũng tốt hơn nhiều. Trung tâm có hơn 900 học viên, trong khi toàn bộ cán bộ, nhân viên bao gồm cả lực lượng bảo vệ là 120 người. “Số lượng học viên cai nghiện rất đông nên trung tâm đã quá tải. Từ 3 tháng nay, chúng tôi đề xuất UBND tỉnh không nhận thêm học viên mới và đã được đồng ý” - bà Đài thông tin.
Theo bà Đài, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng thêm một cơ sở tiếp nhận học viên ban đầu ngay gần trung tâm và đã được chấp thuận. Riêng trung tâm đã xuống cấp nên sở cũng đề xuất xây lại để bảo đảm an toàn hơn. Về công tác nghiệp vụ, sở đã kết hợp cùng công an tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ, xử lý tình huống cho cán bộ, nhân viên, lực lượng bảo vệ của trung tâm; thành lập thêm đội phản ứng nhanh để xử lý tình huống tại chỗ; liên kết với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề và tạo thêm nhiều sân chơi thể dục thể thao…
“Sở LĐ-TB-XH đã kỷ luật giám đốc và phó giám đốc trung tâm. Trung tâm cũng cách chức trưởng phòng quản lý bảo vệ, cảnh cáo 2 viên chức, khiển trách 1 nhân viên hợp đồng vì để xảy ra vụ việc 525 học viên bỏ trốn” - bà Đài nói.
Đối tượng cầm đầu bị tâm thần?
Chiều 24-10, ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai, cho biết đã bắt được 1 trong 3 đối tượng cầm đầu vụ trốn trại là Trần Ngọc Dũng (26 tuổi; ngụ ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Khi bị đưa về trại, Dũng liên tục đập đầu vào tường và la hét, nói nhảm. “Trung tâm đang phối hợp với công an để đưa Dũng đi giám định tâm thần” - ông Lịch nói. Hai đối tượng được cho là đồng phạm với Dũng gồm Võ Đình Huân (31 tuổi; ngụ phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và Đậu Đức Nghĩa (31 tuổi; ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc họp khẩn và đưa ra hướng xử lý trước mắt: Trả về địa phương các đối tượng được đưa vào trung tâm nhưng chưa có quyết định của tòa án; không tiếp tục đưa các đối tượng nghiện ma túy vào trung tâm để sửa chữa cơ sở vật chất; tuyển dụng 70 nhân sự nhằm siết chặt kiểm soát tình hình tại trung tâm; sẽ xây dựng 8 khu khép kín với sức chứa 2.000 người để đáp ứng nhu cầu và dễ quản lý.
Bình luận (0)