Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm giữ 6 đối tượng về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, gồm: Huỳnh Thị Thu Nga (45 tuổi), Nguyễn Nhựt Thanh (18 tuổi), Võ Văn Hoàng (20 tuổi), Lâm Thị Thu Trang (29 tuổi), Huỳnh Văn Vũ (21 tuổi), Phạm Văn Hường (45 tuổi). Tất cả cùng quê tỉnh Đồng Tháp.
Mất tiền, bắt người
Theo kết quả điều tra, giữa năm 2011, anh Trần Thanh Tuấn (22 tuổi, ngụ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tổ chức chơi hụi. Đến tháng 5-2013, do không có khả năng trả tiền, Tuấn bỏ đến thị xã Thuận An sinh sống. Dò tìm được nơi ở của Tuấn, Trang, Nga, Hường rủ Thanh, Hoàng, Vũ thuê ô tô đến khống chế, ép Tuấn ghi giấy nợ, bắt lên xe để chở về tỉnh Đồng Tháp nhưng lực lượng công an đã kịp thời giải cứu nạn nhân.
“Trùm” giang hồ Nguyễn Trung Thủy (SN 1965, ngụ TP Hải Phòng) bị TAND TP HCM tuyên phạt 13 năm tù về các tội
“Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”; các đồng phạm bị phạt từ 2 năm 9 tháng đến 8 năm tù Ảnh: PHẠM DŨNG
Trước đó, chiều 24-7, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Thượng Hạnh (23 tuổi), Nguyễn Đức Vũ (29 tuổi) và Hà Đăng Nam (18 tuổi), cùng trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, cướp tài sản.
Anh Vũ Đình Thông nhận xây nhà cho vợ chồng người cậu ruột của vợ là Nguyễn Văn Định - Nguyễn Thị Thúy Hà. Anh
Thông yêu cầu Hà ứng trước để trả tiền thợ nhưng Hà chỉ đồng ý cho Thông vay 140 triệu đồng. Do anh Thông chưa trả tiền nợ, vợ chồng Hà nhờ Hạnh đòi (số tiền đòi được sẽ chia theo tỉ lệ 50/50). Hạnh rủ Vũ cùng một số đối tượng tìm anh Thông, yêu cầu đo đạc lại diện tích để bớt xén phần việc anh Thông đã làm.
Sau khi đo đạc, Hà chỉ đồng ý trả anh Thông 130 triệu đồng tiền công nhưng trừ vào số tiền vợ anh còn nợ, còn lại anh phải trả thêm tiền vay cả lãi tổng cộng 200 triệu đồng.
Không có tiền, anh Thông bị đưa đến nhà Nam giam giữ và đánh cho đến 3 ngày sau, gia đình anh Thông mang 100 triệu đồng đến nộp và phải viết giấy vay nợ 100 triệu đồng.
Chế tài hành chính hoặc hình sự
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật quốc tế, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam công nhận, bảo vệ. Vấn đề bắt, giữ hoặc giam người phải được thông qua hàng loạt quy định chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bắt, giữ hoặc giam người.
Bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, đều phải bị xử lý bằng chế tài hành chính hay chế tài hình sự.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật - quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 - được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.
Trong quá trình xem xét mục đích phạm tội, cơ quan tố tụng sẽ kết hợp đánh giá với hành vi khách quan của tội phạm. Nếu người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhằm mục đích giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (điều 93) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 104) trên những cơ sở chung.
Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng đối tượng là phụ nữ (hoặc trẻ em) nhằm mục đích hiếp dâm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điều 111) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điều 112)...
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể một người (hay nhiều người) có hành vi bắt, giữ hay giam người trái pháp luật trong thời gian bao lâu mới bị coi là phạm tội hay mới bị coi là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong các vụ được tòa án đưa ra xét xử.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) lại cho rằng dù điều luật không quy định cụ thể một người (hay nhiều người) thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng chỉ cần có 1 trong 3 hành vi nêu trên thỏa mãn cấu thành tội phạm thì một người hay nhiều người cũng đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp nhiều người cố ý cùng thực hiện hành vi này, cơ quan tiến hành tố tụng tùy tính chất, mức độ sẽ quyết định việc truy tố có đồng phạm hay phạm tội có tổ chức. Ngoài ra, dù điều luật không quy định thời gian bắt, giữ, giam người trong bao lâu nhưng ngoài những người có thẩm quyền bắt, giữ hoặc giam người đã được Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định cụ thể tại các điều 80, 81, 82, 86 và 88, bất cứ người nào khác thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người đều có thể bị truy tố mà không cần phải đáp ứng về thời gian.
Có thể bị phạt tù đến 10 năm
Điều 123 BLHS quy định: 1 - Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2 - Phạt tù từ 1 năm đến 5 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. c) Đối với người thi hành công vụ. d) Phạm tội nhiều lần. đ) Đối với nhiều người. 3 - Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm khi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. |
Bình luận (0)