Ngày 27-8, Cục cảnh sát hình sự (CO2), Bộ Công an cho biết đang tạm giữ 18 đối tượng nằm trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe quy mô lớn tại TP HCM và Đồng Nai. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, quê Nghệ An), Trần Đức Toàn (30 tuổi) và Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi).
Các đối tượng tại cơ quan công an
Theo C02, sau 5 tháng theo dõi, các trinh sát phát hiện một đường dây chuyên làm giấy tờ giả tại TP HCM đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Ban chuyên án do Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự làm trưởng ban lên kế hoạch triệt phá.
Công an thu nhiều giấy tờ, biển số xe giả tại nhà các đối tượng
Chiều 26-8, C02 phối hợp với Phân Viện khoa học hình sự tại TP HCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 và các phòng nghiệp vụ liên quan đồng loạt khám xét 8 địa điểm tại TP HCM và Đồng Nai; bắt quả tang các đối tượng trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe, bằng cấp các loại.
Mở rộng điều tra, C02 xác định Dương thiết lập đường dây, lôi kéo đồng bọn đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động. Dương lấy các loại phôi giả từ Phạm Văn Phi. Riêng Toàn và Phong sau thời gian làm chung với Dương thì tách ra làm ăn riêng.
Đường dây này hoạt động rất tinh vi khi không nhận các đơn đặt hàng trực tiếp mà thông qua những "đại lý" đều là đàn em của Dương. Những "đại lý" này sẽ quảng cáo thông tin trên mạng xã hội với nội dung chuyên làm giấy tờ, biển số xe giả… rồi gom đơn hàng đưa cho Dương trực tiếp làm rồi bán lại cho khách để kiếm lời.
Với nhu cầu khách đặt hàng ngày càng nhiều, Dương mở xưởng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại, cam kết làm các loại giấy tờ với độ giống gần như 100%.
Riêng Toàn và Phong đặt hàng trực tiếp qua mạng, giấy tờ nào khó thì chuyển cho Dương làm.
Đáng nói, dù là "ông trùm" nhưng Dương, Toàn và Phong ít khi xuất hiện tại xưởng mà từ xa điều hành đường dây. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy tờ giả khiến những công nhân làm trong xưởng không biết tên thật "ông chủ" mình là ai.
Băng nhóm này rất tinh vi khi thường xuyên vận chuyển hàng thông qua xe ôm công nghệ, mỗi lần nhận hàng tại mỗi địa điểm khác nhau. Nếu khách ở các tỉnh khác, bọn chúng sẽ đóng gói hàng hóa rồi chuyển qua đường bưu điện.
Để tránh bị phát hiện, bọn chúng thường thuê địa điểm sản xuất trong thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác. Các đối tượng còn kết thân, mua chuộc hàng xóm sống cạnh nhà xưởng chỉ để thông báo khi phát hiện có người lạ mặt.
Một cán bộ công an cho hay đường dây này được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc rất hiện đại. Thời điểm khám xét nhà xưởng, lực lượng chức năng rất bất ngờ khi thu giữ số lượng lớn giấy tờ giả như: sổ đỏ, CMND, thẻ nhà báo, giấy phép kinh doanh nhà thuốc, giấy kết hôn… đã thành phẩm và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Bên cạnh đó còn phát hiện số lượng hơn 1.000 con dấu treo, được phân thành từng tỉnh thành, từng bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Các đối tượng còn thường xuyên lên mạng internet tìm các chữ ký của cán bộ lãnh đạo để sao chép làm giả giấy tờ.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai bán các giấy tờ có giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Đối với các giấy tờ như bằng cấp chứng chỉ, giấy tờ xe thì bán theo bộ. Mỗi bộ giấy tờ xe bao gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…có giá khoảng 10 triệu đồng.
Bình luận (0)