Trường bắn Final (Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội - HLTTQGHN - Tổng cục Thể dục-Thể thao) xây dựng cách đây 10 năm, đến nay đã lạc hậu. Vì vậy, Trung tâm HLTTQGHN đề xuất Tổng cục Thể dục - Thể thao (TD-TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cải tạo trường bắn bằng cách đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại và đã được phê duyệt trong năm 2013. Tuy nhiên, dự án đấu thầu mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị công nghệ điện tử đồng bộ cho trường bắn Final đang xảy ra những chuyện bất thường.
Hủy bỏ kết quả trúng thầu
Theo thông tin phóng viên Báo Người Lao Động có được, dự án cải tạo trường bắn Final có tổng mức đầu tư khoảng 17,2 tỉ đồng, giao Trung tâm HLTTQGHN làm chủ đầu tư.
Gói thầu cung cấp các thiết bị trên được mở vào ngày 14-9-2013 với sự tham gia của 5 nhà thầu: Công ty CP Thể dục Thể thao Việt Nam, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nam An, Công ty TNHH Thương mại Techcom, Liên danh Willy Sports-ETN Việt Nam (gồm Công ty CP xuất nhập khẩu Willy Sports và Công ty CP dịch vụ, thương mại mạng viễn thông ETN Việt Nam) và Liên danh Sao Việt Hà - Thăng Long.
Cuối tháng 11-2013, Trung tâm HLTTQGHN ra quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu thuộc về Liên danh Sao Việt Hà - Thăng Long vì đã đưa ra giá bỏ thầu thấp nhất (gần 11 tỉ đồng) và “hứa” cung cấp hệ thống thiết bị điện tử của hãng Megalink (Na Uy).
Ngay sau đó xuất hiện đơn tố cáo thiết bị của hãng Megalink không đáp ứng được yêu cầu đặt ra ban đầu là phục vụ việc tập luyện cho các vận động viên thi đấu ở Olympic (cấp độ III) nên Tổng cục TD-TT đã thành lập đoàn kiểm tra. Tháng 12-2013, tổng cục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hủy bỏ kết quả trúng thầu của Liên danh Sao Việt Hà - Thăng Long, đồng thời yêu cầu xem xét đánh giá hồ sơ của 2 đơn vị xếp sau liên danh này là Liên danh Willy Sports-ETN Việt Nam và Công ty CP TD-TT Việt Nam.
Ngày 23-12-2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQGHN, ký văn bản gửi Liên danh Willy Sports- ETN Việt Nam thông báo đơn vị này trúng thầu. Theo chủ đầu tư, thiết bị mà Liên danh Willy Sports-ETN Việt Nam cung cấp thuộc hãng SIUS ASCOR (Thụy Sĩ) sản xuất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật được đưa ra ban đầu. Giá trị gói trúng thầu gần 16 tỉ đồng.
Bị tố làm giả hồ sơ
Khi hợp đồng hai bên vừa được ký kết, Công ty CP TD-TT Việt Nam lập tức có văn bản gửi lãnh đạo Tổng cục TD-TT đề nghị làm rõ những dấu hiệu bất thường trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu, đặc biệt có dấu hiệu làm giả hồ sơ và giấy tờ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục TD-TT khẳng định đã kiểm tra kỹ hồ sơ dự thầu của Liên danh Willy Sport-ETN Việt Nam, thấy rằng giấy phép bán hàng chính hãng (của hãng SIUS ASCOR, Thụy Sĩ) cấp cho nhà thầu trong năm 2013 và các năm sau bảo đảm được các yêu cầu.
Công ty CP TD-TT Việt Nam liền cung cấp tài liệu cho thấy Tổng cục TD-TT đã bị “qua mặt”. Đặc biệt, văn bản chứng thực ngày 7-1-2014 của Phòng Tư pháp Thạch Thất (Hà Nội) của hãng SIUS gửi cơ quan hữu quan (được dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt) khẳng định: Vào ngày 12-12-2013, hãng SIUS đã viết thư cho Công ty CP xuất nhập khẩu Willy Sports (viết tắt Công ty Willy Sport, tham gia trong liên danh trên - PV) thông báo rằng Công ty Willy Sports được phép bán các sản phẩm của SIUS, trừ trường bắn tại Hà Nội. Dự án trường bắn mới này đã được SIUS độc quyền cung cấp cho Công ty CP TD-TT Việt Nam. “Những lời lẽ trong thư này đã bị thay đổi bởi Công ty Willy Sports. Vui lòng đối chiếu với bản gốc và bản của Công ty Willy Sports đã được lưu tại Việt Nam. Công ty này đã thay đổi và thậm chí bắt chước con dấu logo SIUS vào trong thư. Công ty Willy Sports đã tự làm mất tư cách bằng việc làm giả tài liệu SIUS. Chúng tôi không thể tha thứ cho tội này, vì thế chúng tôi sẽ không cung cấp cho Công ty Willy Sports các sản phẩm của chúng tôi nữa” - văn bản viết.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TD-TT, thừa nhận vụ việc đang rất phức tạp bởi chủ đầu tư đã phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng với liên danh này. Tổng cục TD-TT đã yêu cầu Trung tâm HLTTQGHN tiếp tục giải trình, làm rõ quá trình tổ chức và phê duyệt trúng thầu; đồng thời làm việc với Liên danh Willy Sport - ETN Việt Nam để xem xét khả năng có thể cung ứng được trang thiết bị SIUS chính hãng hay không.
Ông Thắng khẳng định văn bản của hãng SIUS chỉ được gửi cho Công ty CP TD-TT Việt Nam và “cơ quan hữu quan”, không gửi trực tiếp cho Tổng cục TD-TT nên chưa thể kết luận đúng sai, cũng chưa thể khẳng định Công ty Willy Sports đã cung cấp hồ sơ giả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì việc này mà ngành thể thao sẽ phải bỏ thêm khá nhiều kinh phí để đưa các vận động viên đội tuyển bắn súng đi tập huấn ở nơi khác nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD 17 sẽ tổ chức vào tháng 9 tới tại Hàn Quốc.
Đề nghị làm rõ việc mua máy móc trước đây
Công văn ngày 6-12-2013 của Trung tâm HLTTQGHN phản ánh thiết bị SIUS ASCOR nhập về Việt Nam năm 2003 để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam, đến năm 2005 đã không sử dụng được nữa. Trong văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục TD-TT Việt Nam mới đây, ông Bùi Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP TD-TT Việt Nam, cho rằng thiết bị SIUS ASCOR năm 2003 được cung cấp bởi Công ty Việt Hà (nay là Công ty Sao Việt Hà). “Việc mua thiết bị năm 2003 là lãng phí và thiếu trách nhiệm đối với ngành thể thao Việt Nam. Đến thời điểm này, Tổng cục TD-TT phải xem xét lại Công ty Sao Việt Hà có đủ uy tín và trách nhiệm để tham gia các gói thầu cung cấp thiết bị cho ngành thể thao hay không” - văn bản viết.
Bình luận (0)