Theo cáo trạng, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng. Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.
ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Dù vậy, ông Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để ông ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định ông Kiên thành lập 6 công ty do ông làm chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên. Mặc dù không được cấp phép nhưng ông Kiên vẫn chỉ đạo công ty kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.
Bị cáo Kiên đồng ý với tất cả số liệu ghi trong cáo trạng nhưng không đồng ý về hành vi truy tố và cho rằng đó đều là các khoản đầu tư đúng pháp luật. “Cáo trạng ghi sai, không đúng bản chất hoạt động công ty, không đúng pháp luật. Tôi là người làm kinh doanh, nếu tôi làm sai tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” - bị cáo Kiên nói và tiếp tục đề nghị triệu tập đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và bà Phạm Chi Lan với tư cách là nhân chứng của vụ án.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - bất ngờ có mặt theo dõi phiên tòa.
Bình luận (0)