Sáng 2-6, các bị cáo trong phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Ngân hàng Á Châu (ACB) và đồng phạm được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Không thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng
Đến lượt, bị cáo Kiên bắt đầu kể “công lao” khi được lãnh đạo Đảng và nhà nước giao một số nhiệm vụ rất khó khăn về kinh tế đầu những năm 1990; những đóng góp trong việc đưa 4 tổ máy của thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động đúng tiến độ…
Nói về cáo buộc của VKSND cho rằng bị cáo lũng đoạn ngân hàng, bị cáo Kiên khẳng định những năm thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để có thể thao túng, bị cáo biết rất rõ kẽ hở ở đâu, có thể kiếm rất nhiều tiền nhưng không làm. Bị cáo và Lý Xuân Hải đã viết 1 báo cáo gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước về hiện tượng này, kiến nghị những việc cần làm… Sau đó, các bộ và Chính phủ có những giải pháp chống việc thao túng giá trong thị trường.
Với Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Kiên nói đã có những ý kiến cho Ngân hàng Nhà nước ngay từ khi xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị thông qua chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2005-2010, tầm nhìn 2015-2020. Ngay việc sắp xếp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, bị cáo và một số chuyên gia đã có báo cáo chấn chỉnh.
Bị cáo cũng kiến nghị: “Một là việc sắp xếp lại các NHTM cổ phần không phải là việc sắp xếp số học, không phải cộng ngân hàng yếu thành ngân hàng mạnh. Hãy dùng ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu. Đó là phương pháp hiệu quả nhất. Thứ hai, trong 30 NHTM cổ phần và các NHTM nhà nước đang hoạt động, có 3 NHTM có vấn đề lớn. Thứ ba, đừng để bị ngân hàng nước ngoài chi phối làm mất đi trái tim của nền kinh tế”.
Không bỏ trốn, không “chạy án”
Nhắc đến gia đình, bị cáo Kiên nghẹn ngào xúc động, đặc biệt khi nói về các con. Bị cáo cũng cho rằng biết sẽ bị bắt nhưng không trốn chạy trách nhiệm. Bị cáo đã nhắc vợ không “chạy án”, không gặp gỡ bất kỳ ai đang giữ các trọng trách trong vụ án để xin bất cứ điều gì.
Về 4 tội danh bị truy tố, một lần nữa, bị cáo Kiên phủ nhận tất cả. “Tôi không phạm tội như thế, tôi và các luật sư đã chứng minh trước HĐXX bằng những bằng chứng và lý lẽ cụ thể” - bị cáo khẳng định. Bị cáo Kiên còn nêu đích danh một số lãnh đạo, cán bộ điều tra của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án; đồng thời đề nghị lãnh đạo Đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xem xét lại vụ án một cách toàn diện để tránh hàm oan.
Bị cáo Kiên đề nghị HĐXX xem xét về việc phong tỏa các tài sản của bị cáo và gia đình vì “đó là những tài sản do mồ hôi nước mắt của bị cáo làm ra trong hơn 30 năm qua, không liên quan gì đến vụ án”.
Bằng giọng khẩn khoản, bị cáo Kiên nói: “Có những chứng cứ, tài liệu chúng tôi đưa ra cần có sự thẩm định kỹ càng. Tôi đề nghị HĐXX chưa có đầy đủ thời gian nghiên cứu tài liệu hồ sơ thì đừng tuyên án vào ngày 5-6 (theo dự kiến trước đó - PV), nếu vẫn tuyên thì có thể là bản án đã tuyên từ trước và đó là bản án gây oan nghiệt cho chúng tôi. Dù phán quyết của HĐXX thế nào, tôi cũng đề nghị HĐXX được tại ngoại, chờ thi hành án khi bản án có hiệu lực”.
HĐXX tuyên bố đến sáng 9-6, tòa tuyên án.
Mong tòa xem xét, chiếu cố
Trong lời sau cùng, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) nói: “Con người của tôi sống là phải đàng hoàng, tôi không còn trẻ và cũng không quá già để buông xuôi tất cả. Tôi còn có một gia đình cần mình”.
Bị cáo Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB) bày tỏ: “Đến thời khắc cuối đời, tôi đau lòng vì phải đứng trước vành móng ngựa. Đề nghị HĐXX xem xét đến trách nhiệm của bị cáo trong vụ án này”.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) cho rằng HĐQT “không lường trước được những rủi ro” nên mong tòa chiếu cố hạn chế về nhận thức pháp luật. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội) trần tình: “Điều đau khổ là lúc cầm quyết định nghỉ hưu là lúc nhận quyết định truy tố. Tất cả là do sai phạm, sơ suất trong bản hợp đồng cuối cùng mình ký”…
Bình luận (0)