Ngày 19-8, ông Phạm Ngọc Lân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân là ông Đinh Văn Nguyên (46 tuổi) và anh Đinh Văn Hoa (21 tuổi; con ông Nguyên; cùng ngụ thôn Làng Chài, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) bị mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (còn gọi là bệnh “lạ”).
Mịt mờ nguyên nhân
Theo ông Lân, cả hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nổi mẩn đỏ tay chân và dày sừng lòng bàn tay, bàn chân. Qua xét nghiệm, cả hai đều có men gan tăng cao... Chẩn đoán của các y - bác sĩ cho thấy cha con ông Nguyên đã mắc bệnh “lạ”. “Hiện sức khỏe 2 bệnh nhân đang ở trạng thái bình thường. Chúng tôi đang điều trị theo phác đồ của hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân do Bộ Y tế đưa ra” - ông Lân nói.
Ngay sau khi phát hiện 2 ca mắc bệnh “lạ”, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang cùng Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp kiểm tra thực phẩm sử dụng hằng ngày và môi trường sinh hoạt tại gia đình 2 bệnh nhân cùng một số hộ dân xung quanh. Bước đầu, đoàn công tác ghi nhận gạo tại gia đình ông Nguyên đã bị ẩm mốc, nhiều hạt ố màu đen, điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
TS Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết hiện chưa đủ chứng cứ khoa học để khẳng định gạo ẩm, mốc là nguyên nhân xảy ra bệnh “lạ”. “Nói nguyên nhân do gạo cũng không phải bởi trong gia đình ông Nguyên có 5 người cùng ăn, tại sao chỉ 2 người mắc bệnh? Hơn nữa, người dân xung quanh hay các xã khác cũng sử dụng gạo ẩm, mốc bao lâu nay nhưng không mắc bệnh? Chúng tôi đang tìm hiểu liệu có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, tác nhân khác gây bệnh hay không” - TS Mai nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ lấy các mẫu gạo, nước… gửi đi xét nghiệm để tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh. “Trước sự xuất hiện trở lại của hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân sau thời gian gần 2 năm tạm lắng, ngành y tế Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, không ăn gạo bị ẩm mốc…” - ông Đức thông tin.
Cúng để… đuổi ma
Trong khi ngành y tế chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh “lạ”, rất nhiều người dân sống xung quanh lo lắng, thậm chí một số gia đình đã tổ chức cúng để đuổi “con ma” gây bệnh vì người dân tin rằng cứ đến mùa mưa thì nó lại quay về.
Ông Đinh Văn Thương (ngụ thôn Làng Chài, xã Sơn Ba) lo lắng: “Mấy năm trước, ở Sơn Ba, người mắc bệnh không nhiều nhưng các nơi khác chết rất nhiều. Bây giờ “con ma” bệnh “lạ” trở về, người dân ở đây ai cũng lo hết. Bà con sợ nó bắt đi nên nhà nào cũng phải cúng con lợn, con gà”.
Còn tại huyện Ba Tơ, khi nghe thông tin bệnh “lạ” tái xuất, người dân và cả lãnh đạo các địa phương cũng hoang mang không kém. Là một trong những người từng bị mắc bệnh “lạ” nhưng đã được chữa khỏi, anh Phạm Văn Trói (ngụ thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) đến giờ vẫn còn sợ hãi khi nhắc về chứng bệnh quái ác: “Nó đeo bám dai dẳng, giờ mình vẫn còn sợ. Nhà mình có 2 người chết vì nó rồi nên không muốn nó quay lại đâu”.
Ông Phạm Văn Bút - Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - cho biết đa phần cuộc sống của những người dân ở Làng Rêu, xã Ba Điền (nơi trước đây bệnh “lạ” bùng phát dữ dội - PV) đã trở lại bình thường nhưng nhiều người vẫn còn lo sợ, cứ đến mùa mưa lại cúng kiếng để đuổi bệnh. “Trong 2 năm qua, người dân ở Ba Điền rất vui vì bệnh không xuất hiện. Giờ nghe nói ở các nơi khác bị, bà con ở đây ai cũng lo. Mình không biết nguyên nhân gây bệnh nên khó hướng dẫn bà con cách phòng trừ” - ông Bút bày tỏ.
25 người đã tử vong
Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có hơn 270 trường hợp bị mắc bệnh “lạ” và 25 người đã tử vong. Riêng năm 2016, đây là 2 trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh “lạ”, lần gần nhất ghi nhận ca nhiễm bệnh là vào cuối năm 2014.
Bình luận (0)