Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng dự án quy định thẩm quyền của ĐBQH và HĐND chưa thật sự rõ ràng, khó có thể mang lại hiệu quả khi thực thi. Cụ thể, dự án quy định ĐB trong quá trình giám sát nếu phát hiện cơ quan, cá nhân vi phạm thì kiến nghị với cấp trên của cơ quan, cá nhân đó để xử lý. Việc quy định như vậy thì liệu bao nhiêu trường hợp bị xử lý? Thời gian xử lý bao lâu?… “Phát hiện sai phạm của đối tượng bị giám sát mà chỉ dừng lại ở việc kiến nghị với cấp trên xử lý là không hiệu quả. Như vậy, thẩm quyền của ĐB, tổ ĐB bị hạn chế, hoạt động giám sát không hiệu quả” - ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận định.
Nhiều ĐB cho rằng cần thay đổi việc “kiến nghị” bằng “yêu cầu” xử lý các đối tượng chịu giám sát có sai phạm.
Ngoài việc đề nghị trao thêm quyền cho cơ quan giám sát, nhiều ĐB cũng quan tâm tới hoạt động giám sát tối cao của QH. Theo các ĐB, dự án quy định chức năng giám sát của QH chỉ thực hiện trong mỗi kỳ họp là chưa thật sự hiệu quả. “Kỳ họp của QH tổ chức vài tháng 1 lần mà hoạt động giám sát tối cao là những vấn đề phức tạp, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi phải thường xuyên. Vì vậy, nên quy định hoạt động giám sát tối cao của QH là xuyên suốt nhiệm kỳ thì mới mang lại hiệu quả” - ĐB Trần Văn Châu kiến nghị.
Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm cũng được nhiều ĐB quan tâm bởi đây là một hình thức giám sát của QH và HĐND. Các ĐB cho rằng khi cá nhân có phiếu tín nhiệm thấp thì phải cho nghỉ việc chứ không thể để họ tiếp tục đương chức. ĐB Trần Trọng Dũng nói: “Điều 20 của dự án quy định nếu người được đưa ra bỏ phiếu không được quá nửa tổng số ĐB tín nhiệm thì có thể xin từ chức là không phù hợp mà phải yêu cầu từ chức ngay”.
Bình luận (0)