Người đàn bà khắc khổ, gầy gò, khoác bộ đồ đã sờn vai, dắt 2 con nhỏ vào khuôn viên TAND TP HCM để dự phiên tòa xét xử bị cáo Lê Văn Lộc (35 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM). Hai cháu bé chưa đủ 16 tuổi nên không được vào tòa, chúng bám song sắt hàng rào nhìn bóng mẹ khuất dần. Bà là Phạm Vương Ngọc Tuyết (42 tuổi) - người vợ hờ của nạn nhân bị đâm chết trong vụ án. Cũng bởi chưa đăng ký kết hôn, bà đến tòa nhưng bị xem như người dưng, chẳng mang danh phận gì với nạn nhân.
Hai lần lỡ bước
Người phụ nữ tần ngần thật lâu trước phòng xử án. Bà Tuyết nói cuộc đời của mình chỉ toàn là đau khổ, cả hai lần lấy chồng đều không đăng ký kết hôn, không được trọn vẹn danh phận của một người vợ. Rồi 2 người chồng lần lượt rời xa bà mãi mãi, tài sản để lại là những khoản nợ và đàn con nheo nhóc, không ai chăm sóc, bảo ban.
Bị cáo Lê Văn Lộc tại phiên tòa
Hơn 13 năm trước, chồng đầu bỏ đi theo người mới, một mình bà Tuyết phải nuôi 2 con nhỏ trong nỗi uất nghẹn. Để mưu sinh, bà gửi con đầu cho bên ngoại rồi mang theo con nhỏ về huyện Củ Chi, TP HCM làm công nhân. Nơi xứ người xa lạ, bà quen biết ông Võ Văn Nghĩa - góa vợ. Thương cho hoàn cảnh của nhau, hai người quyết định "rổ rá cạp lại". Thế nhưng, ngày ông đưa bà về ra mắt, gia đình bên nội lại không chấp nhận người con dâu nghèo khổ, một nách mang theo 2 con riêng. Bất chấp sự phản đối này, cả hai cùng thuê trọ để chung sống như vợ chồng. Với mức lương công nhân, họ chật vật để trang trải cho gia đình khi 2 đứa con chung lần lượt ra đời.
Năm 2010, vợ chồng bà Tuyết mượn của hàng xóm là bà Nguyễn Thị Đâu (54 tuổi, quê Đồng Tháp) 29 triệu đồng để chi tiêu rồi không trả nổi. Ngày 4-9-2016, bà Đâu gọi con rể là Lê Văn Lộc sang nhà bà Tuyết thuê trọ để đòi tiền. Do không có tiền trả nợ, hai bên phát sinh mâu thuẫn, cãi vã. Trong cơn nóng giận, Lê Văn Lộc đã cầm dao đâm chết chồng bà Tuyết.
"Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, khi đưa chồng vừa vào tới bệnh viện, anh nói không qua khỏi rồi nhắn nhủ ráng làm lo cho các con. Chồng mất, tôi bơ vơ giữa cuộc đời, không mang một danh phận nào ngoài việc làm mẹ của 4 mặt con" - bà Tuyết kể.
Bốn người con mà bà nhắc đến gồm 2 con đầu với chồng cũ, đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi; hai con sau cũng chỉ mới 6-7 tuổi. "Có rau thì ăn rau, cháo thì ăn cháo chứ biết làm sao? Hôm nào tôi đau bệnh không đi làm được thì cả nhà đói. Tụi nhỏ theo tôi đi làm miết rồi cũng không được đi học…" - bà bộc bạch.
"Tương lai các con tôi sẽ đi về đâu?"
Khi tòa bắt đầu xét xử, bà Tuyết rụt rè bước vào phòng, phân vân không biết nên ngồi ở phần ghế của phía gia đình bị cáo hay bị hại - cũng chính là người thân chồng mình.
Tại phiên tòa, bà lại bị hắt hủi bằng ánh mắt lạnh lùng, hằn học của gia đình chồng. Người vợ khốn khổ không được ngồi ở hàng ghế của đại diện bị hại trong phiên tòa xét xử kẻ giết chồng mình. Trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần hỏi cha bị hại: "Ông không nhận con dâu nhưng hai đứa trẻ có phải là cháu của ông không?". Ông này lạnh lùng đáp ngắn gọn: "Không!". Vị chủ tọa xác nhận lại: "Như vậy, ông không nhận cháu nội?". Cha bị hại một lần nữa lạnh lùng khẳng định: "Không!".
"Cũng gần nửa đời người tôi sống chung với anh ấy, mọi người đều biết, hai đứa con cũng giống chồng tôi như đúc. Trước đây, gia đình chồng không chấp nhận tôi nhưng thỉnh thoảng vẫn sang thăm cháu. Thế nhưng, từ ngày chồng tôi mất, cả cháu họ cũng không chịu nhận nữa" - đôi môi bà Tuyết run bần bật.
Nói về khoản nợ trong vụ án, bà thừa nhận cuộc sống quá khó khăn, làm ăn còn không đủ nuôi con, trang trải cho cuộc sống nên chẳng thể chi trả. "Bà Đâu là người tốt. Khi gia đình tôi khó khăn, bà Đâu đã nhiều lần cho vay mượn tiền. Khi bị đòi tiền, hai bên không giữ được bình tĩnh nên mới xảy ra chuyện" - bà Tuyết giãi bày và mong tòa xem xét cho nhận một phần khoản tiền bồi thường của bị cáo để làm vốn, nuôi con nhỏ.
Trong khi đó, đại diện cho bị hại - cha của chồng bà Tuyết - không đồng ý, yêu cầu tòa phải xét xử bị cáo mức án nặng để trả lại công bằng cho con trai. Ông cũng yêu cầu số tiền bồi thường thiệt hại và cấp dưỡng nhưng không đồng ý chia cho bà Tuyết và 2 con.
Phiên tòa lặng xuống, HĐXX trầm ngâm trong giây lát rồi giải thích mặc dù bà Tuyết và bị hại sống chung nhưng không đăng ký kết hôn, pháp luật không thừa nhận là vợ chồng. Do đó, bà và 2 con đều không được hưởng số tiền mà bị cáo bồi thường và trợ cấp. Nhưng bà có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác để đòi quyền nhận cha cho các con mình.
Phiên xử kết thúc, bà Tuyết ngồi chết lặng ở một góc tòa: "Hồi đó, tôi và anh ấy thương nhau nên chung sống như vợ chồng, cứ nghĩ đăng ký kết hôn không có ý nghĩa gì… Giờ anh ấy chết rồi, các con không có cha bảo ban dạy dỗ, tôi cũng không thể lo được cho chúng ăn học đàng hoàng. Tương lai các con tôi sẽ đi về đâu?".
Thừa nhận lỗi lầm
Về phần Lê Văn Lộc, bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình, xin được mọi người tha thứ và sự khoan hồng của pháp luật. Lộc đồng ý khắc phục hậu quả, bồi thường và cấp dưỡng hằng tháng cho gia đình người bị hại.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Lộc 14 năm tù về tội "Giết người". Ngoài bản án hình sự, Lộc còn phải bồi thường 72 triệu đồng, cấp dưỡng cho cha mẹ nạn nhân 2,4 triệu đồng/tháng đến khi họ qua đời.
Bình luận (0)