Người mang trong mình dòng điện 846 volt
Gần 10g trưa 10-12-2004, một thanh niên tay xách nách mang... túi bước vào phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ: “Tôi có thể phóng ra điện” - anh nói trong sự hồ nghi của những người có mặt trong phòng.
Lặng lẽ, anh lấy từ trong túi xách của mình ra bóng đèn neon loại 0,6m, thay đôi dép nhựa bằng đôi dép da, lấy tách trà trên bàn đổ nước xuống nền nhà, chà qua chà lại cho nước rải đều trên mặt đất. Sau đó anh chống bóng đèn xuống đất, hai tay nắm chặt bóng đèn. Phần đuôi bóng đèn tiếp xúc với mặt đất được anh chà đi chà lại và điều kỳ diệu xảy ra: bóng đèn đã sáng lên. Mọi người trong phòng ai cũng trố mắt nhìn kinh ngạc...
“Anh có thể làm sáng bóng 1,2m không?”. Nghe tôi hỏi, anh ngần ngại trong thoáng chốc: “Chắc được, bóng hỏng rồi cũng có thể sáng được”. Chúng tôi đi tìm bóng đèn để anh tiếp tục cuộc thử nghiệm của mình. Thế rồi trước sự ngạc nhiên của mọi người, bóng đèn neon 1,2m còn mới tinh đã sáng lên dưới đôi tay diệu kỳ của anh.
Quả thật, nhìn gương mặt anh, chúng tôi không hề thấy có chút gì mệt mỏi vì phải “vận dụng công lực” hay bị “hao tổn chân khí”. “Anh có cảm thấy bị mệt không?” - tôi rụt rè hỏi và anh trả lời ngay: “Không! Tôi vẫn bình thường”.
Chiếc bút thử điện được đưa ra. Anh cầm vào đầu thử và tôi cầm vào đầu nhựa, chiếc bút thử điện sáng lên. Như để chứng minh mình có dòng điện thật sự, anh cẩn thận mang theo cả máy điện kế ra và tự đo cho chính mình.
Điện kế nhích lên, nhích lên dần trong sự hồi hộp của mọi người và cuối cùng dừng ở con số 846 volt. Một con số khó tưởng tượng được, cũng như khó mà tin có một người lại chất chứa trong cơ thể của mình dòng điện lên đến gần 850 volt.
Tôi thử lấy điện kế đo ổ cắm điện trong phòng. Điện kế chạy nhanh và cũng dừng lại thật nhanh ở con số 226 volt. Nghĩa là dòng điện trong người anh cao gấp bốn lần dòng điện sinh hoạt bình thường. Thật là kỳ lạ!
Để lên trán, bóng cũng sáng!
Lần biểu diễn thứ ba bắt đầu. Lần này còn ngoạn mục hơn cả hai lần trước. Hai tay anh cầm hai bóng đèn neon loại 1,2m và tức khắc hai bóng cùng sáng lên. Anh tiếp tục lấy nước trong tách trà xoa lên... trán, để một bóng đèn vào trán và bóng đèn liền sáng lên. “Anh có thể làm bóng sáng mạnh hơn nữa không?”.
Không trả lời, anh lẳng lặng lấy ra trong túi một thanh sắt dẹp, một đầu có lỗ và để xuống
Để lên trán bóng đèn cũng sáng |
đất. Một đầu bóng đèn anh đặt xuống tiếp xúc với thanh sắt, đầu kia anh cầm trên tay. Anh cầm phần đầu bóng tiếp xúc với thanh sắt chà đi chà lại vài lần, bóng đèn bỗng sáng rực lên... Anh càng chà mạnh bóng đèn càng sáng mạnh...
Lần biểu diễn tiếp theo càng hào hứng hơn. Anh lặng lẽ lấy tay vuốt tóc qua một bên, lấy nước xoa đều lên trán, đổ thêm nước xuống sàn nhà và anh bắt đầu tuyệt kỹ của mình: một đầu bóng đèn tiếp xúc với đất và một đầu tiếp xúc với trán.
Hai tay anh buông ra, bóng đèn từ từ sáng lên. Giống y hệt như con người anh là cả một ổ điện, để bóng đèn chỗ nào cũng sáng cả. Anh có thể làm sáng bóng đèn liên tục mà không phải “gần như kiệt sức” của nhân vật Nguyễn Văn Nam xuất hiện trên truyền hình.
Từ một người bình thường bỗng dưng anh Chinh lại có khả năng phóng điện, vì sao anh Chinh lại có khả năng kỳ lạ này? Hãy nghe chính bản thân anh Chinh giải thích về hiện tượng này...
Phóng viên cũng... phóng ra điện
Anh Chinh từ từ lấy trong túi mình ra một đôi dép nhựa và đi vào chân, thay đôi dép da rồi anh đứng lên và yêu cầu PV bỏ dép ra rồi mang đôi dép da của anh. Anh cũng lấy một ít nước đổ xuống nền nhà, và hướng dẫn cách cầm bóng điện theo đúng vị trí tay phải.
Anh bảo cô phóng viên làm giống anh, chà qua chà lại phần bóng đèn tiếp xúc với nền nhà. Một lần, hai lần... bóng đèn vẫn chưa sáng. Anh tiếp tục giúp cô phóng viên chà bóng đèn..., bỗng bóng từ từ “rụt rè” nhấp nháy. Chà đi chà lại vài lần nữa, bóng đèn từ từ sáng lên. Thật hồi hộp. Chuyện gì đã xảy ra đây? Tại sao con người lại có khả năng phóng điện dễ dàng vậy? Hay là anh Chinh có bí quyết gì giúp mọi người tự phóng điện?
PV cũng có thể...phóng ra điện |
Chưa ai hiểu sự thể ra sao thì anh Chinh bảo cô phóng viên đưa đôi dép da cho anh và anh từ từ cầm một chiếc lên. Lúc này mọi người mới thấy phía cuối chiếc dép có dính một miếng băng keo trong. Anh từ từ tháo miếng băng keo trong ra và lấy tay kéo phần đế của chiếc dép ra, bên trong lộ rõ một môtơ nhỏ xíu và một cục pin.
Đưa cho mọi người xem xong, anh lại dán chiếc dép lại, phía mặt dép tiếp xúc với lòng bàn chân có một sợi dây điện nhỏ xíu lòi lên: “Tôi phóng ra được điện là nhờ bộ dụng cụ này!”. Không khí trong phòng như giãn ra, nhưng rồi lại căng lên trong sự ngạc nhiên tiếp theo của mọi người. Tại sao với dụng cụ chút xíu như vậy mà ai mang vào cũng có thể lại phóng ra được điện? Tại sao luồng điện áp lên đến gần 850 volt chạy qua người mà anh vẫn bình chân như vại?
Anh Chinh kể: “Khi xem chương trình truyền hình tôi thấy nghi ngờ, vì tôi tin không thể nào có người phóng ra điện được. Mỗi lần tôi xem thấy anh Nguyễn Văn Nam phát sáng điện là anh nghe có tiếng rít lên “giống y hệt như tiếng kêu của tăngphô điện tử, dùng cho đèn xài bình, cứ mỗi lần bóng đèn sáng lên thì tôi lại nghe tiếng tăngphô kêu...”.
Xem xong chương trình anh đã làm thí nghiệm để chứng minh. Sản phẩm “phóng điện” của anh ra đời với một tăngphô bằng đầu ngón tay lấy từ cái quạt giết muỗi của Trung Quốc, còn pin thì lấy pin của điện thoại di động. Chiếc dép da được anh xé ra và nhét vào dưới đáy dép, dán lại. Và chỉ cần đi chiếc dép này, ai cũng đều trở thành “người phóng điện”, tha hồ làm bóng điện sáng lên...
...Và sự giải thích của anh Chinh
Lý giải vấn đề, anh Chinh phân tích: "Trong cơ thể người chỉ tồn tại các dòng điện rất nhỏ như điện tim, điện não, điện cơ mà chỉ có các thiết bị hiện đại mới đo được. Vậy tôi có phải là một người đặc biệt có khả năng dẫn điện? Xin thưa rằng không! Tất cả mọi người chúng ta đều có trong cơ thể 70% trọng lượng là nước.
Ngoài ra còn có nhiều loại muối khoáng, mà nước muối lại là một dung dịch dẫn điện khá tốt. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng làm hoặc thấy anh thợ điện dùng bút thử điện chạm vào ổ điện và một bóng đèn nhỏ lóe lên. Điều khiến mọi người thấy “phi thường” chính là làm cho một bóng đèn lớn sáng lên. Thật ra nó sáng lên là nhờ nguồn điện của một bộ tăngphô điện tử được lấy từ một chiếc đèn sạc bán đầy rẫy trong các tiệm điện.
Khi dòng điện chạy qua người, nếu như tần số điện càng cao thì cảm giác bị điện giật càng giảm, vì tác động của dòng điện lên cơ thể người còn phụ thuộc rất nhiều vào tần số dòng điện. Khi tần số dòng điện rất thấp (dưới 10 Hz) hoặc rất cao (1.000 Hz trở lên) thì tác dụng sinh lý lên cơ thể con người càng ít. Nói cách khác, con người có khả năng chịu được dòng điện xoay chiều tần số cao tốt hơn. Điều này được ứng dụng trong các thiết bị phẫu thuật cắt đốt điện thường thấy tại các bệnh viện”.
“Còn có một mẹo nhỏ nữa - anh Chinh nói - đó là tại sao tôi phải để nguồn điện dưới dép phải và bóng đèn cũng phải cầm ở tay phải, đó là tránh cho luồng điện chạy qua tim. Nếu như cầm bóng đèn tay trái và nguồn điện nằm dép trái, hoặc tay cầm bóng đèn phía bên phải thì rất nguy hiểm”. Anh Chinh cũng cảnh báo: “Vì tôi là người rành điện nên có thể thử nghiệm, làm phóng điện như thế này rất nguy hiểm và mọi người không nên làm theo như tôi, vì tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu như xảy ra hậu quả xấu nào”.
Bình luận (0)