Ngày 4-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hoàng Lâm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết ông Cao Văn Hùng (nguyên điều tra viên chính trong “kỳ án vườn điều” và vụ án ông Huỳnh Văn Nén) đang hành nghề luật sư và là thành viên của đoàn luật sư tỉnh này.
Đủ thủ tục thì được kết nạp (!?)
Theo ông Trần Hoàng Lâm, ông Cao Văn Hùng mới được kết nạp làm thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa. “Cứ đủ thủ tục theo quy định như chứng chỉ hành nghề luật sư và một số giấy tờ khác thì chúng tôi kết nạp” - ông Lâm nói.
Đáng chú ý, trước đó, trong vụ án ông Huỳnh Văn Nén, vào năm 2004, các luật sư gồm Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường (những người bào chữa miễn phí cho 5 bị cáo trong “kỳ án vườn điều”) đã cùng làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cục Điều tra VKSND Tối cao, Cục CSĐT - Bộ Công an và 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đối với ông Cao Văn Hùng. Những luật sư này cho rằng ông Hùng đã vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự, có dấu hiệu phạm các tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” và “Truy cứu trách nhiệm người không có tội” khiến vụ án phải xét xử nhiều lần, các bị cáo kêu oan đã bị giam giữ trên 6 năm.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, ngày 10-3-2015, ông Cao Văn Hùng có văn bản đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và được chấp thuận vì hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, cho biết qua nghiên cứu thấy việc ông Hùng bị kỷ luật, giáng chức trong ngành công an đã diễn ra được 14 năm. Trong hồ sơ của ông Hùng có đủ phiếu lý lịch tư pháp, không án tích, trong khi kết quả tập sự hành nghề luật sư đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Do đó, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Hùng.
Trong khi đó, luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết năm 2002, khi được giao thụ lý vụ án buôn bán trái phép chất ma túy, ông Hùng đã làm lộ thông tin khiến nghi can bỏ trốn trước khi có lệnh bắt khẩn cấp nên bị đuổi khỏi ngành công an. Sau đó, ông Hùng làm nhân viên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận nhưng bị từ chối. Khi nghỉ hưu, gia đình ông Hùng chuyển về sinh sống tại Hà Nội và cách đây khoảng 4 tháng, ông Hùng làm đơn xin gia nhập Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã không đồng ý đơn xin gia nhập này với quan điểm phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền về sai phạm của ông Hùng trong “kỳ án vườn điều” và vụ án ông Huỳnh Văn Nén. Ông Hùng làm đơn khiếu nại đến Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhưng đã rút trước khi Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời.
Chưa xem xét cấm hành nghề
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng việc ông Cao Văn Hùng được làm luật sư là theo quy định của pháp luật và nếu có tiếp tục làm hay không cũng phải theo quy định của pháp luật. “Còn ông Hùng có gây oan sai hay không thì cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành làm rõ” - ông Thịnh nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Cao Văn Hùng hành nghề luật sư có thể gây ảnh hưởng không tốt đến giới luật sư, quan điểm của liên đoàn thế nào? Ông Thịnh khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, một người chỉ được xem là phạm tội khi có bản án có hiệu lực của tòa án. Lúc đó, chúng ta mới xem xét đến việc cấm ông Cao Văn Hùng hành nghề luật sư”.
Theo một lãnh đạo khác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề, còn Liên đoàn Luật sư Việt nam cấp thẻ luật sư. Lúc ông Hùng được hành nghề luật sư thì ông Nén chưa chính thức được minh oan. Nếu ông Hùng là luật sư rồi nhưng vi phạm pháp luật và bị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự thì đương nhiên ông Hùng sẽ bị xóa tên khỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về việc ông Cao Văn Hùng liên quan đến 2 vụ án oan khiến dư luận không tốt, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý thế nào, ông Trần Hoàng Lâm nói: “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu xem xét tư cách ông Hùng”.
Sẽ xử lý những người gây oan sai
Công an tỉnh Bình Thuận ngày 4-12 đã có báo cáo chính thức gửi cơ quan cấp trên về vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân vào đêm 23-4-1998. Nạn nhân trong vụ án này là bà Lê Thị Bông (tên thường gọi là Năm Tép, 67 tuổi), bị sát hại bằng dây siết cổ. Sau khi ra tay tàn độc, kẻ thủ ác đã lấy của nạn nhân 1 nhẫn vàng đeo trên tay. Theo đó, thủ phạm giết bà Bông là Nguyễn Thọ (39 tuổi) và Hồ Văn Việt, cùng cư ngụ tại thị trấn Tân Minh. Tuy nhiên, vài năm sau, Việt đã chết. Công an tỉnh Bình Thuận xác định Thọ là đối tượng bất hảo ở địa phương vào thời điểm năm 1998, với các hành vi như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng… Sau khi gây án, Thọ lập tức rời khỏi địa phương và trốn tránh ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, không liên lạc với gia đình để tránh sự truy bắt của công an. Mới đây, biết không thể lẩn trốn, Thọ đến Công an tỉnh Đồng Tháp đầu thú, khai nhận đã cùng Việt giết và cướp tài sản của bà Bông.
Lời khai của Thọ khá phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi của cơ quan điều tra vào thời điểm năm 1998. Hiện Bộ Công an đã phân công điều tra viên phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận khẩn trương điều tra, kết luận vụ án để truy tố Thọ theo đúng pháp luật.
Về trách nhiệm của những người gây oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết trách nhiệm đầu tiên là của nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng; tiếp đến là các kiểm sát viên của VKSND tỉnh Bình Thuận và HĐXX của TAND tỉnh Bình Thuận tham gia quá trình tố tụng vụ án. “Cục Điều tra VKSND Tối cao sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan trong vụ án này để xử lý đúng pháp luật” - báo cáo nêu.
Cũng theo Công an tỉnh Bình Thuận, hiện ông Huỳnh Văn Nén đã được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn làm đơn yêu cầu bồi thường vì phải chịu oan sai trong thời gian dài. Việc bồi thường sẽ theo đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.
L.Trường
Bình luận (0)