Ngày 5-10, trao đổi với phóng viên, người nhà của ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương vừa có quyết định quan trọng. Theo đó, tạm đình chỉ điều tra vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan tới ông Khanh, đồng thời tạm đình chỉ điều tra với các bị can trong vụ án này.
Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án này.
Phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hồng Khanh tại TAND tỉnh Bình Dương
Theo nguồn tin của phóng viên, lý do tạm đình chỉ là đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định.
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Khanh cùng 2 cựu cán bộ ngân hàng là Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu Phó Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp) đã được trả tự do vì hết hạn tạm giam, hồ sơ vụ việc được trả để điều tra bổ sung.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 28-5-2020, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương tuyên ông Nguyễn Hồng Khanh 10 năm tù vì có vai trò "đồng phạm", "giúp sức" cho các cán bộ ngân hàng vi phạm. Vụ việc không liên quan tới chức vụ quản lý mà ông Khanh từng nắm giữ.
Các bị cáo Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc lần lượt bị tuyên 12 và 11 năm tù.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử án sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều kêu oan và kháng cáo. Vào tháng 5-2021, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại do vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng và nhiều nội dung thiếu căn cứ pháp lý.
VKSND tỉnh Bình Dương cũng đã trả hồ sơ để công an tỉnh điều tra bổ sung vụ án liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo trạng, thời điểm năm 2005- 2008, bà Hồ Thị Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (đã qua đời vào năm 2016), vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng... giá trị khoảng 80 tỉ đồng. Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Thời điểm này, bị cáo Hùng và bị cáo Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì không có văn bản thỏa thuận; đồng thời, bị cáo Hùng và Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định.
Từ năm 2012 đến năm 2015, ông Khanh và bà Hiệp (thông qua Hùng, Lộc) đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV. Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp.
Theo kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỉ đồng....
Bình luận (0)