icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bình Tân quyết biến “làng” thành đô thị

Quý Hiền

10 phường của quận Bình Tân sẽ được chỉnh trang. Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, quận Bình Tân (được tách ra từ huyện Bình Chánh) hiện tồn tại nhiều khu dân cư tự phát với hàng ngàn căn nhà xây dựng trái phép dẫn đến quy hoạch chung bị phá vỡ.

Việc chỉnh trang những khu dân cư này “rối như bòng bong”! Nhưng UBND quận Bình Tân quyết tâm thử sức bằng chương trình chỉnh trang đô thị trên 10 phường.

Những khu dân cư “3 không, 1 có”

Chúng tôi đến khu phố 4, nơi UBND phường An Lạc đưa vào danh sách chỉnh trang hạ tầng giao thông trong năm 2005, hiện ra trước mắt là hàng trăm căn nhà xây dựng ken dày “đầu thừa đuôi thẹo”. Các con đường tự phát nhỏ hẹp, dẫn vào các khu dân cư cũng hết sức tạm bợ. Một người dân ở hẻm 36 đường Bùi Tư Toàn thẳng thắn: Chúng tôi đang sống trong những khu dân cư 3 không: “không đường, không cấp nước, không thoát nước”... nhưng duy nhất chỉ có số nhà là được quận cấp và công nhận! Để “tự cứu mình” trong việc lưu thông, các hộ dân ở đây đã góp tiền, mua đá trải đường nhưng chỉ cần qua vài cơn mưa là... đá trôi hết và trở lại là “đường làng” như cũ. Ông Tăng Minh Thư, trưởng khu phố 4, phường An Lạc, cho biết: Hiện ở đây có trên 1.500 hộ dân nhưng hầu hết các khu dân cư đều hình thành tự phát từ thời điểm những năm 2000 trở về trước và 90% số căn nhà ở đây là xây dựng trái phép. Hệ thống hạ tầng tự phát còn gây ngập lụt vào mùa mưa. Chưa kể, nước tù đọng trong một số ao sót lại chưa san lấp đã tràn vào nhà dân gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tương tự, tại khu vực phường Bình Hưng Hòa, một nơi có tốc độ hình thành các khu dân cư tự phát ồ ạt (thời điểm trước khi có Chỉ thị 08 của UBND TP: ngày 22-4-2002) cao nhất của quận, cũng đang làm đau đầu chính quyền địa phương về công tác chỉnh trang đô thị. Một cán bộ quản lý đô thị của phường nhìn nhận: Hệ thống đường sá ở đây như một mê cung, cứ vài ba nhà mọc lên là “khai sinh” một con đường đi kèm. Theo con số thống kê mới nhất của UBND phường Bình Hưng Hòa: Hiện dân số của phường đã lên đến con số 37.000 người, tăng gần 10.000 so với thời điểm tháng 12-2003 (thời điểm chia tách quận và thành lập phường). Hệ thống cơ sở hạ tầng hình thành tự phát cũng xảy ra ở các phường Bình Trị Đông A, Bình Trị Đông B, Tân Tạo A...

Lợi cả đôi đường

Ông Trần Minh Khiêm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết: Việc chỉnh trang đô thị không chỉ giúp chính quyền quản lý tốt hơn mà người dân sẽ có lợi. Sau khi chỉnh trang sẽ tạo điều kiện cho người dân được hợp thức hóa nhà ở, đất ở và giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ dân có đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. Theo ông Khiêm, đây là một điểm mới và việc này tháo gỡ rất nhiều cho các hộ dân vì từ trước đến nay đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư không được chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, nhiều trường hợp không thể xây dựng nhà cửa trong khi họ bức bách về nhu cầu nhà ở. Ông Khiêm cho biết thêm: Việc chỉnh trang chỉ thực hiện ở 10 phường, tại các khu dân cư phù hợp với quy hoạch (trường hợp thuộc diện quy hoạch sử dụng đất nhưng không còn phù hợp thì quận sẽ điều chỉnh). Đối với hệ thống giao thông liên phường do quận quản lý thì quận lập dự án đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh (giao thông, thoát nước, cấp nước, điện) và chi kinh phí thực hiện. Còn đối với hệ thống giao thông liên khu phố do phường quản lý thì phường lập dự án đầu tư và vận động nhân dân đóng góp kinh phí theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tất nhiên các phường đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của dân trước khi chỉnh trang đường hay hẻm.

Có quá tầm tay?

Không chờ chương trình chỉnh trang đô thị của quận, UBND phường An Lạc đã mạnh dạn thực hiện công tác vận động người dân góp kinh phí làm cơ sở hạ tầng ở một số tuyến hẻm. Ông Phạm Văn Tứ ở 36/45 Bùi Tư Toàn vui mừng: “Tôi về đây đã được 10 năm là ngần ấy năm sống chung với ngập, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng... mọi việc đã thay đổi từ năm nay, khi con đường mới ra đời với hệ thống thoát nước hoàn chỉnh”. Theo ông Nguyễn Thanh Huân, Chủ tịch UBND phường An Lạc: Sở dĩ chương trình được người dân đồng tình vì họ bức xúc trước tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tạm bợ. Đây là khu vực gần tuyến đường Bùi Tư Toàn đã được quận đầu tư hệ thống thoát nước nên thuận lợi hơn trong việc kết nối hạ tầng. Còn tại công trình mở rộng đường Phạm Đăng Giảng (khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa) đang thực hiện, hàng trăm hộ dân ở đây cũng đồng tình hiến đất để làm đường và hệ thống thoát nước. Qua thống kê riêng của phường Bình Hưng Hòa, hiện chỉ có 3 tuyến đường chính có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, còn lại 17 tuyến đường và 117 tuyến hẻm cần đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng. Vì vậy, việc chỉnh trang hạ tầng ở những khu dân cư kiểu “ 3 không, 1 có” ở quận Bình Tân là một vấn đề nan giải, vượt quá tầm tay chính quyền địa phương. Theo ông Trần Minh Khiêm: Hiện TP vẫn chưa cung cấp được thông số cao độ mặt bằng (cốt nền) để địa phương quy hoạch hạ tầng giao thông, còn quy hoạch chi tiết cho từng khu vực thì thực hiện quá chậm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo