Chiều nay 27-2, trao đổi với Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Văn Quyết, con trai ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Trung Yên, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), cho biết trong ngày hôm nay có 3 cán bộ Bộ Công an mời ông Chấn, bà Phạm Thị Vì (mẹ ông Chấn) và anh làm việc tại nhà văn hoá thôn.
Nội dung với anh Quyết và bà Vì xoay quanh việc xác nhận lại các thời điểm xảy ra vụ việc và kết thúc vào sáng cùng ngày. Riêng với ông Chấn thì cuộc làm việc kéo dài tới hơn 16 giờ chiều cùng ngày..
“Bố tôi lên làm việc theo giấy mời. Trong giấy ghi là Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Buổi sáng thì tập trung hỏi tiếp về quá trình bị bắt, bị ép cung ra sao, quá trình ở trong trại thế nào” - anh Quyết nói.
Do đang làm việc với phía Công an nên chưa thể liên lạc được với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trong khi đó, trong lá đơn mới nhất gửi tới Báo Người Lao Động, ông Chấn bày tỏ sự sốt ruột về việc giải quyết bồi thường. “Trong thời gian tôi ngồi tù, gia đình phải chịu nhiều oan ức, tan gia bại sản, đau thương nhục nhã hệ luỵ đến nhiều thế hệ họ hàng. Gia đình tôi đề nghị và yêu cầu bồi thường thật đầy đủ mọi tổn thất, tổn thương, hệ luỵ ở mức cao nhất”.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bật khóc khi nhận quyết định đình chỉ điều tra của Bộ Công an, chính thức thành người vô tội vào sáng 25-1 vừa qua
“Sau khi chính thức thành người vô tội, tôi phải dần hòa nhập và tiếp tục cuộc sống chứ không ngồi mãi một chỗ được. Giờ cả hai vợ chồng đều đang bị bệnh, nhất là bà Chiến vẫn thuốc thang hàng ngày” - ông Chấn cho biết.
Được biết, gia đình ông Chấn còn một người con gái vẫn đang đi làm giúp việc ở Đài Loan. Chị cũng mong mỏi kiếm tiền để về quê vì năm nay đã 30 tuổi mà chưa lập gia đình.
Bà Chiến, vợ ông Chấn, cũng cho hay để kêu oan cho chồng, trong 10 năm qua, bà đã chạy vạy, vay nợ rất nhiều. Hiện gia đình còn nợ không ít, trong đó món nợ lớn nhất là của ông Thân Ngọc Hoạt hơn 100 triệu đồng và 3 sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng để lấy tiền đi kêu oan.
Trước đó, ngày 25-1 vừa qua, ông Chấn đã chính thức được minh oan khi Bộ Công an ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vai trò bị can của ông trong vụ án giết người hàng xóm tại thôn Me 10 năm trước.
Tuy nhiên, sau khi ra tù, cuộc sống của ông Chấn cũng như toàn gia đình ông vẫn còn muôn vàn khó khăn. Ông Chấn đã thuê một luật sư ở Hà Nội để giải quyết các vấn đề bồi thường.
Về vấn đề giải quyết bồi thường và lộ trình bồi thường, theo Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết theo quy định của pháp luật, ông Chấn sẽ được bồi thường theo đúng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Còn về cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp ông Chấn có đơn yêu cầu, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bình luận (0)