>>> Xem tất cả
. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trước thông tin phóng viên (PV) Trần Thế Dũng bị hành hung nhưng Công an huyện Cao Lộc không khởi tố vụ án, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có ý kiến gì?
- Ông Đỗ Quý Doãn: Chiều 1-4, lãnh đạo Bộ TT-TT, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Công an tỉnh nhanh chóng điều tra lại vụ hành hung dã man PV Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động để có kết luận cụ thể, rõ ràng. Bộ cũng yêu cầu có biện pháp xử lý nghiêm minh vụ việc nhằm tránh tạo tiền lệ xấu, cản trở và gây khó khăn cho nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
. Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về vụ hành hung PV Trần Thế Dũng mà công luận cho rằng là một minh chứng cho thực trạng đáng báo động về việc hành hung nhà báo trong tác nghiệp thời gian gần đây?
- Trong một đất nước đang đề cao sống và làm việc theo pháp luật như chúng ta thì mọi người đều phải tuân thủ pháp luật. Nhà báo được pháp luật bảo vệ khi hoạt động nghiệp vụ, không ai được đe dọa tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, không ai được cản trở, phá hủy phương tiện, thu hủy tài liệu của nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
Tất cả những hành vi vi phạm đều phải xử lý nghiêm. Vì thế, các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem xét khách quan và nghiêm minh để không tạo ra tiền lệ xấu. Mặt khác, chúng tôi cũng đề nghị các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực khó khăn, phức tạp, nhạy cảm cũng cần phải hết sức khéo léo, có biện pháp nghiệp vụ để vừa bảo vệ an toàn tính mạng cho mình vừa có thông tin, đồng thời đấu tranh hiệu quả với những việc làm xấu, tiêu cực.
. Thứ trưởng có cho rằng chính việc các cơ quan chức năng như Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn không xử lý nghiêm minh vụ hành hung PV Trần Thế Dũng và các vụ việc khác là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thực trạng cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp gia tăng trong thời gian qua?
- Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng không làm đến nơi đến chốn và xử lý nghiêm minh các vụ cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, trong đó có việc hành hung nhà báo, có thể tạo ra tiền lệ xấu. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc, thu thập đầy đủ chứng cứ để đưa ra xử lý nghiêm các vụ vi phạm sẽ có tính răn đe cao, qua đó giáo dục và hướng dẫn xã hội thực hiện nghiêm pháp luật.
Tại một điểm chờ vận chuyển gia cầm ở Lạng Sơn. Phóng viên Thế Dũng chụp được ảnh này trước khi anh bị hành hung khoảng 1 giờ
. Thưa Thứ trưởng, nên coi hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo, nhất là trong các vụ việc chống tiêu cực, là đang thi hành công vụ để có những chế tài, xử lý nghiêm các vụ cản trở, hành hung nhà báo?
- Tôi cho rằng khi các nhà báo đang thực thi tác nghiệp theo yêu cầu của tòa soạn là đang thi hành công vụ.
. Nhưng trong việc xử lý vụ hành hung dã man PV Trần Thế Dũng thì Công an huyện Cao Lộc lại không coi là thi hành công vụ nên dẫn tới quyết định gây bất bình là không khởi tố vụ án?
- Chính vì thế trong công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ TT-TT yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh điều tra lại vụ việc, đưa ra xử lý nghiêm theo pháp luật để có tính răn đe theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
. Thưa Thứ trưởng, trong dự thảo sửa đổi Luật Báo chí sắp tới chúng ta nên ghi rõ nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ để từ đó có chế tài, xử lý nghiêm các vụ cản trở, hành hung nhà báo?
- Ngay Luật Báo chí hiện hành cũng đã có đầy đủ chế tài để xử lý nghiêm các vụ cản trở, hành hung báo chí, trong đó có ghi rõ không ai được cản trở nhà báo, thu giữ phương tiện của nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Chỉ cần như vậy cũng đủ căn cứ pháp luật để xử lý các vụ việc như vụ hành hung PV Trần Thế Dũng. Tất nhiên, nếu ghi rõ ràng, cụ thể hơn vào luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xử lý.
Tổng cục Cảnh sát vào cuộc Ngày 1-4, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), Bộ Công an, cho biết ngay sau khi PV Trần Thế Dũng bị hành hung, Tổng cục Cảnh sát đã cử cán bộ nắm tình hình.
Bảo Trân |
Bình luận (0)