Những e-mail có nội dung khủng bố
Có một phụ nữ đã tìm đến tôi trong tâm trạng đầy bức xúc. Chị đã ngoài 50 tuổi, ăn vận sang trọng, nói năng chừng mực và có văn hóa. Chị là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc. Chị nói rằng, chị là nạn nhân của một trò chơi xấu trên mạng. Một kẻ nào đó, chắc là do thù hằn chị đã đưa tên, địa chỉ, số điện thoại và cả ảnh của chị lên trang web rao bán tình trên mạng với nội dung chị cần bán tình với giá 300 USD, ai cần thì liên hệ qua địa chỉ e-mail. Thế là những ngày sau đó, hộp thư điện tử, điện thoại di động và cả điện thoại công ty lẫn đến thoại nhà riêng của chị liên tục nhận được các yêu cầu được “mua tình'' của chị. Tệ hơn, có một kẻ nào đó còn copy mẩu đăng tin chị bán tình ở trên trang web đồi bại kia và gửi đến rất nhiều các đối tác làm ăn của chị bằng con đường e-mail. Suốt cả tháng trời bị khủng bố ròng rã như thế, không chỉ riêng chị mà chồng chị, các con chị cũng vô cùng bức xúc. Chị đã nhờ một số bạn bè là chuyên gia tin học truy tìm cái kẻ vô lại đã đưa thông tin bôi nhọ chị lên mạng, đã phát tán những e-mail xấu xa kia nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Và, cuối cùng, chị đã tìm đến nhờ chúng tôi giúp.
Một cô gái trẻ khác ở Hà Nội còn lâm vào tình trạng bi đát hơn. Cô ta đã tốt nghiệp đại học và được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty nước ngoài ở Hà Nội. Tại đây, cô đã yêu đắm say một đồng nghiệp nhưng rồi tình yêu ấy đã không dẫn đến hôn nhân. Sau đó, cô chuyển đến nơi làm việc mới tại TPHCM. Rồi tình yêu mới lại đến. Cô và chàng trai kia quyết định đi đến hôn nhân. Hai bên gia đình Nam - Bắc đã gặp nhau, đã chạm ngõ và định ngày cưới hỏi. Thế rồi, bỗng dưng hộp thư điện tử của người chồng chưa cưới của cô liên tục nhận được những e-mail với nội dung nói xấu cô, mô tả cơ thể cô kể cả những nơi kín đáo nhất với những lời lẽ vô cùng tục tĩu. Thậm chí có những e-mail còn kèm theo cả những file đính kèm là hình ảnh của cô trong trang phục của Eva. Hộp thư điện tử của các em chồng cô cũng nhận được những e-mail tương tự như vậy. Cả gia đinh chồng cô phát hoảng. Những suy luận theo kiểu ''không có lửa làm sao có khói'' cứ thế loang ra để rồi cuối cùng phá vỡ cái hạnh phúc mà cô tưởng như đã cầm nắm được ở trong lòng tay. Qua điều tra của riêng cô, cô biết người phát tán những thông tin xấu xa về cô chính là người yêu cũ. Hắn đã lấy những tấm hình hai người chụp chung khi còn yêu nhau, tách riêng mặt cô ra và dùng kỹ xảo máy tính ghép vào một tấm hình khỏa thân khác để đính kèm vào các e-mail rồi gửi đi khắp nơi, trong đó có chồng chưa cưới và các em chồng của cô. Nhưng cô không thể tố cáo hắn với pháp luật được vì không thể chứng minh được rằng hắn chính là người gửi các e-mail nói trên.
Một ông hiệu trưởng khác ở TPHCM còn bị bôi xấu bởi hàng trăm e-mail gửi tới hàng trăm địa chỉ khác nhau, nội dung tố cáo ông cưỡng dâm, hiếp dâm. Các e-mail này còn có một file đính kèm với hình thức là một bài báo, có đăng hình ông hiệu trưởng. Rõ ràng đây là một ngón đòn khủng bố tinh thần rất quái ác mà người bị đánh không có cách nào có thể chống đỡ được.
Các nhà an ninh mạng phải vào cuộc
Thực tế hiện nay ở nước ta, các nhà khai thác dịch vụ trên mạng mới đang chú trọng đến phát triển loại hình dịch vụ thư điện tử miễn phí để thu hút khách hàng mà chưa chú trọng đến biện pháp quản lý, ngăn chặn, phát hiện để xử lý những hành vi lợi dụng dịch vụ thông tin này nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi loan truyền những tin bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác ngày càng phổ biến trên các e-mail được lập từ các webmail miễn phí.
Tìm hiểu quy trình đăng ký sử dụng và quản lý các địa chỉ e-mail này thấy rằng: Nhà cung cấp địch vụ không quản lý người sử dụng, không cần biết người sử dụng là ai và ở đâu. Khi vào các webmail này, chỉ cần khai báo một số thông tin cần thiết như tên, giới tính, năm sinh, mã vùng... là bạn có thể được chấp thuận lập một mailbox (hộp thư) miễn phí. Mà điều đáng nói là những thông tin khai báo này chỉ cần lôgic chứ không cần thật. Các e-mail có dụng ý xấu nói đến trong bài viết này cũng đều gửi từ các hộp thư miễn phí theo phương thức như vậy. Theo một chuyên gia về mạng của Công ty Truyền thông FPT thì việc truy ngược lại xem các e-mail gửi từ máy nào không khó nhưng đó là chỉ với các máy có thuê bao Intenlet, còn nếu đối với các máy dùng Intemet Card (thẻ truy cập mạng) thì không thể tìm được. Mà kể cả trong trường hợp có truy được nguồn gốc của e-mail thì cũng không thể tìm được con người thực của người gửi thư để mà xử lý vì những khai báo ban đầu của người mở hộp thư miễn phí đã là khai báo ảo.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của loại hành vi mới kể trên, đã đến lúc các chuyên gia tin học, các nhà an ninh mạng phải vào cuộc để ngăn chặn nạn phát tán e-mail có nội dung xấu đang có xu hướng gia tăng. Cần thiết phải tìm ra và xử lý thật nghiêm khắc đối với những kẻ cố tình phát tán những thông tin bịa đặt vu khống xúc phạm danh dự người khác thông qua các dịch vụ truyền thông đề cập trên đây.
Bình luận (0)