Mấy ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền 2 clip ghi lại cảnh 2 phụ nữ dẫn một bé trai vào mua hàng rồi chỉ dẫn bé đến hộc tủ trộm điện thoại khiến ai xem qua cũng phải bức xúc.
Độc ác
Một trong 2 cửa hàng gặp nạn là cửa hàng bán linh kiện điện thoại ở phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội. Chị chủ cửa hàng này cho hay sau khi phát hiện bị mất điện thoại đã kiểm tra camera và vô cùng ngạc nhiên khi thủ phạm lại là 1 bé trai chừng 5 tuổi.
Nhớ lại quang cảnh ngày hôm đó, chủ cửa hàng cho biết đi cùng bé trai là 2 phụ nữ. “Do 2 phụ nữ hỏi hết món này đến món nọ nên tôi nhiệt tình tư vấn mà không để ý đến cậu bé hiếu động đi lại trong cửa hàng. Thế nhưng, hình ảnh camera cho thấy bé trai vào quầy thu ngân mở ngăn kéo bàn lấy điện thoại. Sau đó, bé trai nhanh tay nhét vào trong áo và 2 phụ nữ vội bỏ đi” - chủ cửa hàng kể.
Theo chủ cửa hàng, do thấy đây là “chiêu mới” của bọn tội phạm nên đã chia sẻ trên mạng để mọi người cùng cảnh giác.
Thế nhưng, khi đưa lên mạng thì chị lại phát hiện thủ phạm vụ trộm của mình cũng đã thực hiện một vụ tương tự ở cửa hàng mỹ phẩm tại Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và chủ cửa hàng mỹ phẩm cũng đưa lên mạng để cảnh báo mà chị không hề hay biết.
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP HCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện không ít vụ trộm cắp do trẻ em gây ra. Cụ thể, mới đây ông Tean Beradelli (SN 1961, quốc tịch Canada) cùng bạn gái đang ngồi ăn tại quán số 177 Phạm Ngũ Lão (quận 1) thì bị 2 em nhỏ đến mời mua kẹo cao su, sau đó dàn cảnh lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5S. Khi 2 bé gái này bỏ đi, ông Tean phát hiện bị mất tài sản nên đến công an trình báo.
Khó xử
Truy xét nhanh, Công an quận 1 xác định đứa trẻ gây ra vụ trộm là bé gái H.N.T (SN 2005). Sau đó, công an đã mời T. và mẹ ruột là Huỳnh Việt Thành (SN 1977, ngụ huyện Nhà Bè) về trụ sở làm việc.
Tại cơ quan công an, T. thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản của ông Tean. Riêng Thành quanh co bảo do con gái nói điện thoại nhặt được nên mới đem đi bán giúp. Xét thấy chưa đủ cơ sở xử lý Thành, còn T. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan công an thả đối tượng.
Ông Lê Ngọc Thảo (38 tuổi), chạy xe ôm ở khu vực phố Tây Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho hay trẻ em buôn bán dạo ở đây rất nhiều. Một số em được người lớn chở đến bán xong rồi đi, số còn lại theo chân cha mẹ. Khách uống cà phê, ăn uống thỉnh thoảng vẫn bị mất đồ và nghi do các trẻ bán dạo lấy cắp... Thế nhưng, khi bị phát hiện thì người lớn luôn vô can. “Bọn tội phạm chơi “chiêu” dùng trẻ em làm lá chắn kiểu này ngày càng nhiều bởi tương đối dễ ăn” - ông Thảo cho hay.
Điều tra viên Nguyễn Chí Thanh - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 10, TP HCM - chia sẻ: “Khi một vụ án trộm cắp liên quan đến trẻ em xảy ra thì phải có bằng chứng chứng minh được người lớn là chủ mưu trong vụ việc mới có thể xử lý hình sự được”.
Tuy luật quy định việc xúi giục trẻ em, người chưa thành niên phạm tội là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội nhưng do không dễ củng cố chứng cứ nên khó triệt dứt loại tội phạm lợi dụng trẻ em để trục lợi.
Khó thành người tốt
TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhấn mạnh: Những hành vi tiêu cực mà người lớn bày, dạy, xúi giục thường để lại dấu ấn rất nặng nề trong tâm lý, tinh thần và ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành nhân cách trẻ sau này. “Những đứa bé bị đầu độc để làm điều xấu, bị điều khiển để đi trộm cắp rất dễ bị tiêm nhiễm, chai lì. Trẻ sống trong môi trường như vậy mà trở thành người tốt thì e rằng rất khó” - TS Vỹ trăn trở.
Cũng theo TS Vỹ, các tổ chức bảo vệ trẻ em, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp theo dõi, phát hiện những cá nhân sử dụng trẻ làm chuyện xấu. Nếu có bằng chứng thì phải xử lý thật nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Bên cạnh đó, cha mẹ và nhà trường cần hướng dẫn, dạy trẻ từ chối những yêu cầu xấu của người lớn.
Bình luận (0)