Tối 28-1, TAND TP HCM kết thúc xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Minh Sơn (cựu công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 4) 12 năm tù về tội "Buôn lậu". Cùng tội danh trên, HĐXX phạt bị cáo Lê Hoàng Thịnh (lao động tự do) 7 năm tù.
Liên quan đến vụ án, hai bị cáo Nguyễn Chí Thành, Lê Đình Thuần (đều là cựu công chức hải quan) mỗi người lãnh 3 năm tù giam cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cuối tháng 10-2016, cơ quan chức năng phát hiện một xe đầu kéo có dấu hiệu vận chuyển container chứa hàng hóa nhập lậu nên làm thủ tục tạm giữ, liên hệ chủ hàng đến giải quyết.
Sau đó, Lê Hoàng Thịnh tự xưng đại diện Công ty An Lộc (trụ sở ở quận Tân Bình, TP HCM) đến làm việc. Thịnh trình bày số hàng hóa trong container nói trên do Công ty An Lộc sở hữu. Đồng thời, Thịnh xuất trình tờ khai hàng hóa nhập khẩu chứng minh tính hợp pháp số hàng nói trên.
Các bị cáo tại tòa
Tờ khai Thịnh đưa ra khai báo rõ hàng hóa là phụ tùng xe máy, bánh mâm xe...; hàng mới 100%. Trong khi thực tế, lô hàng trong container là bánh xe đẩy vòng bi, thuốc nhuộm tóc, đèn Led, loa, kem vuốt tóc, nước hoa…, tất cả đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Như vậy, toàn bộ hàng hóa thực tế không trùng khớp về tên gọi, công dụng, chủng loại, xuất xứ, số lượng so với hàng hóa ghi trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan quản lý thị trường có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính vắng mặt đối với Công ty An Lộc về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng kết luận container này nhập cảng ở Cảng ICD Phước Long 3 - TP HCM vào tháng 9-2016. Người nhận hàng có tên Lê Hoàng Thịnh (sử dụng giấy giới thiệu từ Công ty An Lộc và số điện thoại: 0903776276). Lô hàng nhập khẩu đã hoàn tất thủ tục hải quan, giao về doanh nghiệp xử lý.
Tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng trước đó, Lê Đình Thuận và Nguyễn Chí Thành (khi đó là cán bộ hải quan) nhận thấy seal container theo tờ khai hải quan của Công ty An Lộc còn nguyên vẹn, khớp với số seal trên vận đơn nên tiến hành cắt seal kiểm tra.
Thành và Thuần đã kiểm tra cụ thể từng mặt hàng trong container, đối chiếu với danh mục hàng hóa khai báo trong tờ khai và hóa đơn doanh nghiệp. Sau đó, hai cán bộ hải quan chấp nhận thông quan. Doanh nghiệp làm thủ tục vận chuyển hàng hóa về kho. Hai người này không rõ doanh nghiệp sử dụng phương tiện nào mang hàng hóa ra khỏi cảng.
Công an quận Tân Bình xác minh trên địa bàn không có Công ty An Lộc. Địa chỉ trụ sở công ty Sơn và Thịnh khai báo chỉ là nhà dân, do bà Lê Thị Kim Cúc - vợ Phạm Minh Sơn đứng tên giấy tờ nhà đất.
Làm việc với cơ quan điều tra, Phạm Minh Sơn cùng Lê Hoàng Thịnh liên tục thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi sai phạm. Sơn khăng khăng rằng mình là giảng viên đại học, không liên quan đến vụ việc trên. Đến khi cơ quan điều tra củng cố đầy đủ chứng cứ thì những đối tượng này mới thừa nhận hành vi buôn lậu hàng hóa.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 6 đến tháng 10-2016, Phạm Minh Sơn sử dụng pháp nhân Công ty An Lộc (đề trụ sở ở quận Tân Bình, TP HCM) mở 32 bộ tờ khai hải quan, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua Cảng Sài Gòn Khu vực IV.
HĐXX kết luận đây là vụ án buôn lậu do Phạm Minh Sơn, Lê Hoàng Thịnh trực tiếp thực hiện. Trong đó, Sơn giữ vai trò chủ mưu, Thịnh là người giúp sức tích cực.
Nguyễn Chí Thành và Lê Đình Thuần nhận nhiệm vụ kiểm hóa. Hai bị cáo làm sai quy trình kiểm tra, thông quan hàng nhập khẩu. Sai phạm khiến nhà nước thất thoát gần 900 triệu đồng tiền thuế.
Trong thời gian điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn tiếp nhận vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Phạm Minh Sơn cầm đầu. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tách vụ án này ra, tiếp tục điều tra, xử lý.
Bình luận (0)