Từ đầu năm 2019 đến nay, bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh trọng điểm phía Nam tịch thu gần 600.000 lít dầu, 96.000 lít dầu thải; xử lý 80 đối tượng buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển. Lực lượng cảnh sát biển cũng bắt giữ và xử lý hơn 20 tàu, thu giữ khoảng 1,7 triệu lít dầu DO và lượng lớn xăng A95 lậu.
Dùng ghe gỗ, tàu cá vận chuyển
Vừa qua, tàu tuần tra thuộc Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng) phát hiện một tàu cá cất giấu 1.000 lít dầu DO di chuyển trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng. Trên tàu có 5 người đều không có giấy tờ tùy thân và tên trong sổ danh bạ thuyền viên đi biển. Thuyền trưởng là ông Trần Văn Pho (ngụ tỉnh Tiền Giang) không xuất trình giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của 1.000 lít dầu DO, khai là lấy dầu từ một tàu sắt không rõ quốc tịch.
Tàu chở xăng dầu lậu bị bắt giữ trên biển Ảnh: HOÀNG PHÚC
Trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải đoàn 18 (Bộ Tư lệnh BĐBP) cũng vừa bắt giữ một ghe gỗ vận chuyển 72.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Ghe do ông Nguyễn Ngọc Thắng (ngụ tỉnh Tiền Giang) điều khiển. Sau khi thu thập thông tin, Hải đoàn 18 ra quyết định xử phạt hành chính hơn 51 triệu đồng đối với chủ ghe; đồng thời tịch thu tang vật, bán hóa giá sung công quỹ gần 900 triệu đồng. Cũng tại khu vực trên, Hải đoàn 18 từng phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt giữ tàu cá do ông Trần Hữu Tân (ngụ Tiền Giang) làm thuyền trưởng khi tàu đang vận chuyển trái phép khoảng 20.000 lít dầu DO.
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chống buôn lậu thuộc Hải đoàn 18 đã tịch thu hơn 180.000 lít dầu không rõ nguồn gốc, bán sung công quỹ 2,2 tỉ đồng; xử phạt hành chính các chủ phương tiện vi phạm hơn 200 triệu đồng.
Đủ chiêu đối phó
Theo đại tá Nguyễn Duy Nghị, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 18, đa số chủ tàu buôn lậu móc nối bán xăng dầu lậu với chủ tàu đánh bắt cá. Thương lượng xong, họ theo dõi lịch đánh bắt ngoài khơi, hẹn tọa độ rồi gặp nhau trao đổi, sang mạn hàng cấm ngay trên biển. Họ cho xăng dầu vào nhiều can nhựa, thùng phuy rồi chất lên tàu cá, thậm chí lên ghe hay xuồng nhỏ, chở hàng vào khu vực biển giáp ranh lén lút giao dịch. Nhiều đối tượng sử dụng tàu không mang số hiệu hoặc số hiệu giả khi vận chuyển, mua bán xăng dầu lậu. Họ không ngại thuê phương tiện hoặc đối phó bằng cách sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mặt hàng trên.
Đại tá Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết hầu hết các vụ buôn lậu xăng dầu xảy ra ở vùng biển xa. Có vụ cách bờ trên 100 hải lý, với nhiều tàu mang nhiều quốc tịch. Nguy hiểm hơn, đối tượng buôn lậu trang bị máy móc quan sát, dụng cụ nghe nhìn từ xa, thậm chí dùng súng chống đối quyết liệt. Các đối tượng hoạt động chủ yếu ở vùng biển giáp ranh để dễ tẩu thoát hàng hóa sang vùng biển nước ngoài. Đầu nậu ở trên đất liền cũng thường ra vùng biển giáp ranh mua xăng dầu của tàu nước ngoài. Gần đây, vùng biển các tỉnh phía Nam xuất hiện một số đối tượng không những buôn lậu mà còn bảo kê theo kiểu xã hội đen.
"Việc bắt quả tang tàu vi phạm không hề dễ, đặc biệt là tàu ngoại quốc, có thuyền trưởng và thuyền viên là người nước ngoài. Những vụ việc như vậy đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều cơ quan trong và ngoài nước" - đại tá Trần Văn Nam nhận định. Đáng nói, tội "Buôn lậu" trong Bộ Luật Hình sự có đề cập đến yếu tố vận chuyển qua biên giới. Tuy nhiên, biên giới biển trong Luật Biển Việt Nam thì nêu đường ranh giới là đường lãnh hải. Theo đó, trong vùng biển đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam, bắt quả tang phương tiện buôn lậu thì chỉ có quyền xử lý hành chính, dù số lượng tang vật rất lớn. "Nhiều vụ được phát hiện và truy bắt gian nan nhưng xác định không cấu thành tội nên chúng tôi buộc chuyển sang xử lý hành chính. Cảnh sát biển đề xuất có hướng tháo gỡ vướng mắc trên nhưng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Bộ Luật Hình sự hiện hành, vẫn chưa thay đổi, bổ sung ngay được" - đại tá Trần Văn Nam phản ánh.
Bình luận (0)