Sáng 29-1, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử lưu động tại góc đường Phan Văn Trị- Nguyễn Oanh (phường 7, quận Gò Vấp - TPHCM) vụ án giết người, cướp tài sản đối với Lê Văn Sơn (SN 1979, ngụ quận 1) và đồng bọn. Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận vào năm 2008 bởi tính chất giết - cướp dã man mà nạn nhân là đôi vợ chồng trẻ kinh doanh phụ tùng xe gắn máy.
Từ trái qua: Sang, Quý, Sơn, Trường và Châu đang nghe đại diện VKSND TPHCM luận tội
Giả vờ vào mua hàng để giết - cướp
Sau mấy lần để ý thấy anh N.A.S - chủ DNTN K.S (đường Phan Văn Trị) - mang nhiều tài sản có giá trị, Sơn nảy sinh ý định cướp.
Ngày 4-9-2008, Sơn nhờ Lương Minh Châu (SN 1977) chở ngang qua nhà anh S. một lần nữa để điều nghiên và rủ Châu cùng đi cướp nhưng Châu không đồng ý.
Ngày 5-9-2008, Sơn gặp Lê Quang Trường (SN 1983), biết Trường từng làm công cho gia đình anh S. nên Sơn rủ rê.
Do không dám trực tiếp gây án, Trường nói cho Sơn số điện thoại, cách thức sinh hoạt của gia đình anh S. đồng thời giới thiệu cho Sơn một “đứa chịu đâm chém” là Trần Thanh Sang (SN 1988).
Khoảng 19 giờ ngày 10-9-2008, Sơn mượn xe của Châu chở Sang đến nhà anh S. vờ hỏi mua phụ tùng xe gắn máy. Lợi dụng lúc anh S. mất tập trung, Sơn nháy mắt ra hiệu cho Sang rút dao đâm. Anh S. chạy ra cửa tri hô liền bị Sơn đuổi theo đâm liên tiếp vào người, gục chết.
Chị L.T.H (vợ anh S.) từ trong nhà nghe tiếng la chạy ra cũng bị Sơn đâm nhiều nhát. Lúc này, chị L.T.T từ sau bếp chạy lên, quá hoảng sợ, van xin và nói “chỉ là người giúp việc, không biết gì” nên Sơn bắt chị bế cháu bé đang khóc rồi trói lại.
Sau đó, Sơn lục lấy những tài sản có giá trị trên người nạn nhân, máy laptop và két sắt rồi chở Sang đến nhà Châu.
Do Châu không đồng ý để két sắt ở nhà vì “quá nguy hiểm”, Sơn thay quần áo dính máu, băng vết thương ở tay, để lại laptop cho Châu rồi cùng Sang chở két sắt đến chỗ làm của Dương Trường Quý nhờ phá.
Sơn cho Quý 200 đô la Hồng Kông, cho Sang một ít vàng, còn lại Sơn lấy tất cả (nói là sẽ bán để chia cho Châu và Trường) rồi bỏ trốn.
Còn Trường đón taxi yêu cầu chở Sang ra Bến xe Miền Tây mang theo két sắt vứt bỏ để phi tang. Nghi ngờ, tài xế taxi chở Sang cùng tang vật vào thẳng trụ sở của bảo vệ Bến xe Miền Tây.
Những kẻ giết người máu lạnh
Trước tòa, bị cáo Trường và Châu cho rằng cả hai chỉ ngồi uống cà phê chung với Sang và Sơn, không bàn bạc hay cùng thực hiện vụ cướp vì... sợ. Châu cũng cho rằng chiếc xe là của Sơn không phải của Châu, chuyện Sơn đi cướp Châu có biết nhưng không cản: “Mày muốn làm gì thì làm, đừng liên lụy đến tao là được”.
Bị cáo Quý “mong HĐXX... thông cảm” vì Sơn và Sang có nhờ cắt phụ két sắt nhưng cắt không được nên bị đuổi ra ngoài. Sau đó, Sơn có cho bị cáo 2 tờ tiền, “bị cáo không biết tiền gì” chỉ nghe Sang nói “vụ này có chết người đó” nhưng lại nghĩ Sang nói... giỡn.
Về phần Sang, do cần tiền tiêu xài nên khi Sơn nói: “Vụ này ngon lắm, mày chịu đâm chịu chém không?” thì liền gật đầu không do dự. Đến khi trên đường cùng Sơn đi cướp, bị đe dọa: “Mày không ra tay giết, chính tao sẽ đâm mày” nên sợ mà đâm anh S. hai nhát khi Sơn ra hiệu...
Bị cáo được chú ý nhiều nhất chính là Sơn - kẻ chủ mưu cũng là người thực hiện tội ác quyết liệt, dã man nhất. Ngay tại tòa, Sơn cũng thể hiện mình là một “đại ca” khi liên tục “nhắc nhở” đồng bọn và lẹ làng đá vào chân khi Sang có lời khai bất lợi cho mình (nhưng bị cảnh sát dẫn giải và HĐXX phát hiện).
Đến lượt Sơn trả lời thẩm vấn, anh ta vừa múa tay vừa lạnh lùng, bình thản tường thuật lại hành vi giết người hết sức tàn nhẫn, dã man của mình.
Cho dù lời khai của Sơn không quanh co, chối tội, ngược lại tự nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình nhưng người nghe vẫn không thể nhận ra ở đó có sự ăn năn, hối cải.
Mỗi câu trả lời của bị cáo lại nhận được những cái lắc đầu, những lời phản đối: “Thật là một kẻ mất hết nhân tính” nên cũng thật dễ hiểu khi liền ngay sau đó đã có hàng tràng pháo tay (dù không được phép) thể hiện sự đồng tình với đề nghị của VKSND TPHCM về mức án tử hình dành cho bị cáo.
Cái ác bị đẩy đến cực điểm thường làm cho người ta ghê sợ, căm phẫn. Ngay cả luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đành bất lực, không thể tìm ra tình tiết nào khả dĩ xin HĐXX xem xét cho bị cáo một con đường sống; bởi ngay cả chi tiết bị cáo tha chết cho người giúp việc và cháu bé thì cách lý giải của bị cáo cũng thật lạnh lùng: “Không đâm nữa vì đứa bé khóc om sòm, với lại người đó cũng không làm gì được, có xin thì mình cho thôi”.
Ở lời nói sau cùng, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, cầu xin sự tha thứ của gia đình bị hại và sự khoan hồng của luật pháp. Bị cáo Châu đã nghẹn ngào: “Xin lỗi gia đình bị hại và cả những người bạn phải ra tòa hôm nay. Nếu bị cáo ngăn chặn Sơn ngay từ đầu hoặc báo với cơ quan chức năng, hậu quả đã không xảy ra”. Chỉ có Sơn vẫn ngông cuồng, không một chút sám hối.
Nhận định các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với nhiều tình tiết định khung tăng nặng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Sơn và Sang tử hình về hai tội giết người - cướp tài sản; Trường, Châu mỗi bị cáo 30 năm tù cũng với hai tội danh trên; Quý 3 năm tù về tội che giấu tội phạm.
Nỗi đau còn lại Đại diện hợp pháp của bị hại L.T.H và N.A.S đến tham dự phiên tòa đem theo hai di ảnh và ngồi ở hai nơi cách xa nhau. Phía gia đình chị H. là di ảnh của cả hai vợ chồng bị hại. Còn bên gia đình anh S. là di ảnh của một mình anh. Hai người mẹ đều không thể giấu được nỗi đau tột cùng vì mất con. |
Bình luận (0)