Cầm bản hợp đồng cho thuê nhà trọ và đơn tố cáo nhóm “cò” chuyên dắt mối khách thuê nhà, chị Nguyễn Ngọc N. (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM) ứa nước mắt: “Do cần thuê nhà trọ gần trường học và tiện đường đi làm thêm nên chúng tôi lang thang khắp nơi kiếm nhà trọ. Nào ngờ gặp phải lừa đảo...”.
Hứa để “ăn” tiền cọc
Chị N. kể: Đọc được mẩu quảng cáo trên đường, chị đến địa chỉ 285/51 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP HCM, được một phụ nữ tên là Thanh dẫn đi xem phòng. Thấy phòng sạch sẽ nên N. đồng ý thuê với giá 1,5 triệu đồng cùng điều kiện được để xe tại nhà trọ, không mất thêm phí, không cần đóng tiền thế chân…
Sau khi thống nhất, Thanh viết giấy nhận cọc 500.000 đồng và hẹn ngày N. dọn đến ở. Đúng hẹn, N. chở đồ đến nhận phòng thì Thanh “bận đi đám cưới” và bàn giao lại cho một người khác làm hợp đồng.
Tuy nhiên, khi đọc hợp đồng, N. rất ngạc nhiên vì những điều khoản trong hợp đồng trái ngược với những gì đã thỏa thuận trước đó. Ngoài việc N. phải gửi xe bên ngoài 200.000 đồng/tháng còn phải đóng thêm 3 triệu đồng tiền thế chân, cam kết ở 12 tháng…
“Chúng tôi tiết kiệm từng đồng để đi học nhưng bị họ lừa như vậy. Nếu chấp nhận ở trọ thì ai bảo đảm rằng họ không dùng cách này hay cách khác khiến chúng tôi phải dọn đi nơi khác và mất tiền thế chân 3 triệu đồng?” - N. uất ức nói.
Nhóm N. gọi điện thoại thì Thanh không nghe máy; khi lấy số khác gọi thì Thanh nghe và nói rằng mình chỉ là người làm công, nhận cọc giùm, không biết gì. Chán nản, nhóm N. đành bỏ cọc sau hơn 1 tháng dây dưa.
Sau đó, cũng đọc quảng cáo dán bên đường, N. đến số 97 Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10 để thuê phòng. Tại đây, một thanh niên cũng nhận 500.000 đồng tiền cọc với thỏa thuận được nấu ăn, để xe trong nhà, điện giá nhà nước…
Thế nhưng, khi dọn đến, một nam thanh niên mình đầy hình xăm đưa hợp đồng với những điều khoản phi lý. Thấy bản hợp đồng thuê phòng này với bản hợp đồng của bên Thanh cùng một mẫu, nghi cả hai cùng một băng nhóm với nhau, N. dọa báo công an thì gã thanh niên cười khẩy, gằn giọng: “Tao thách tụi mày đi báo công an, tao lấy luôn tiền cọc tụi bây làm gì tao?”. Nói rồi, nhóm này giật giấy đặt cọc xé đôi.
N. không phải là nạn nhân đầu tiên bị lừa tiền cọc. Trước đó, nhiều nữ sinh viên và người mới đi làm khi bị lừa với hình thức này đã lên mạng chia sẻ, cảnh báo những người có nhu cầu khi thuê trọ tại 2 địa chỉ trên.
Đủ dấu hiệu xử lý hành chính
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), các đối tượng đưa ra các điều kiện dễ dàng, tạo lòng tin để nhận cọc rồi chiếm đoạt tiền đã thể hiện sự gian dối; là hành vi trái pháp luật và đủ dấu hiệu để xử lý hành chính (do số tiền dưới 2 triệu đồng).
Nếu nhóm người này đã bị xử phạt hành chính do chiếm đoạt tiền mà trong vòng 1 năm tiếp tục tái phạm với hành vi tương tự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà không bị hạn chế về số tiền chiếm đoạt thấp nhất là bao nhiêu.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM - cho biết: “Các bạn sinh viên có nhu cầu thuê nhà trọ hãy đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM hoặc đến văn phòng Đoàn trường để được hỗ trợ. Trung tâm có hơn 10.000 địa chỉ phòng trọ và lúc nào cũng có phòng với giá hợp lý, chủ nhà vui vẻ và tốt bụng. Được trung tâm giới thiệu, khi dọn đến nhận phòng, các bạn mới đặt cọc”.
Theo anh Hoàng, để tránh bị lừa, khi đặt cọc phải tìm hiểu kỹ thông qua nhiều kênh, nhất là người gần nơi muốn thuê trọ.
Bình luận (0)