Về phía Hạt kiểm lâm Krông Pa đã ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng xảy ra tại xã Ia Rmok, giáp ranh với huyện Krông Năng (Đắk Lắk), bước đầu cơ quan ghi nhận có 55m3 gỗ dổi (nhóm 3) còn để tại hiện trường. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm xung quanh nhằm phát hiện thêm số gỗ vi phạm.
Khi tình nguyện dẫn phóng viên Báo Người Lao Động thâm nhập vào vị trí rừng bị tàn phá trên, một người dân nói rằng khi phát hiện lâm tặc chặt phá rừng đã không báo cho lực lượng kiểm lâm, hay chính quyền địa phương mà chỉ tin tưởng phóng viên đến đưa lên mặt báo thì mới được xử lý. “Ngày bình thường có rất nhiều lâm tặc đi xe độ chế mang theo cưa máy vào rừng chặt phá, mỗi xã đều có một kiểm lâm địa bàn và nhiều lực lượng khác nhưng tôi không có biện pháp ngăn chặn” – người này nói và chỉ nhóm người đang đi phía trước cũng là lâm tặc vào phá rừng. Chúng tôi quan sát phía sau một trong các xe này có cả cưa máy.
Mặc dù vậy, ông Trương Thanh Hà – phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết các cán bộ kiểm lâm thường xuyên đi tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng rất tích cực. Khi phóng viên chất vấn, với khối lượng gỗ bị khai thác lớn như vậy cần rất nhiều thời gian, lực lượng tuần tra kiểm soát tích cực tại sao không phát hiện, ông Hà cho rằng việc bắt gỗ trong rừng là rất khó: “Rừng này nó nhiều, đi sao hết được. Việc lâm tặc khai thác trong rừng phải tìm, phải kiếm chứ đâu phải như đường như ô bàn cờ mà dễ thấy” – ông Hà nói.
Theo ông Hà, với quan điểm "đánh rắn đánh dập đầu" nên lực lượng kiểm lâm "mật phục nhằm bắt được đối tượng để xử lý". Tuy nhiên qua mật phục không bắt được đối tượng nào.
Huyện Krông Pa được coi là điểm nóng về tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là sau vụ phá rừng tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai; Việc xe chở gỗ vào nhà ông Nguyễn Đình Sơn – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai bị bắt giữ. Sau vụ việc này, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, điều chuyển công tác như người đứng đầu ngành lâm nghiệp huyện ông Bùi Đức Việt – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm bị rút về Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Trước những vụ việc trên, sáng ngày 19-4, khi phóng viên đến trụ sở UBND huyện Krông Pa đăng ký làm việc với ông Tô Văn Chánh, chủ tịch UBND huyện – người được một số cơ quan báo chí biểu dương vì sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo chống phá rừng – để làm việc về hướng xử lý, tìm biện pháp triệt để tình trạng phá rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyên Thế Cường - chánh văn phòng UBND huyện hỏi ý kiến và thông báo lại cho phóng viên rằng vụ việc đã giao cho Hạt kiểm lâm, Công an huyện xử lý.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại trong quá trình người dân đưa vào thâm nhập hiện trường.
Những cây gỗ bị chặt hạ nằm rải rác trên con đường dẫn vào rừng. Trong đó có cả những cây gỗ lớn.
Hàng trăm cây gỗ nhỏ bị lâm tặc chặt hạ nhằm mở con đường dài khoảng 3km dẫn vào bãi tập kết
Nhiều khúc gỗ lớn nằm rải rác trên con dốc từ bãi tập kết xuống điểm xe vào chở được
Vô số khúc gỗ được chất thành nhiều đống khắp đỉnh ngọn đồi
Để đưa gỗ xuống điểm xe chở, lâm tặc dùng hệ thống cáp kéo
Bình luận (0)