Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina (quận 8, TP HCM) là vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vòng 15 năm trở lại trên địa bàn TP HCM. Đau xót tột cùng khi mất mát to lớn này xảy khi dân cư chung cư đã nhiều lần yêu cầu ban quản lý bảo đảm an toàn PCCC, an ninh trật tự..
Như vậy, có thể nói rằng, nguy cơ hỏa hoạn ở chung cư này đã được cảnh báo từ trước. Nhưng thật đau xót, lời cảnh báo đó đã trở thành sự thật và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Từ vụ này, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp đến các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các chung cư trên địa bàn TP HCM.
Cần truy trách nhiệm đến tận cùng
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khi xảy ra vụ cháy, hệ thống PCCC của chung cư này không hoạt động; hệ thống chữa cháy tự động cũng không được kích hoạt, chuông báo cháy không có, trụ nước trước chung cư chỉ để làm kiểng…cùng hàng loạt vấn đề liên quan đến an toàn cho người dân khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Có thể khẳng định, hệ thống PCCC ở chung cư này chỉ làm cho có, chứ không có tác dụng PCCC thật sự. Đây là một điều hết sức nguy hiểm và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Bởi lẽ, đối với các chung cư, số lượng cư dân sinh sống rất đông nên khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả thì hậu quả là không thể lường trước được.
Trụ nước chỉ để làm màu !
Hiện nay, không riêng gì chung cư này, mà một số chung cư trên địa bàn TP HCM, khi công trình chưa hoàn công, hệ thống PCCC chưa được cơ quan PCCC nghiệm thu nhưng chủ đầu tư vẫn "vô tư" bàn giao căn hộ, cho phép cư dân vào ở cho thấy họ rất xem thường pháp luật và tính mạng người dân.
Theo Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các văn bản liên quan, các chung cư phải hoàn thiện, nghiệm thu hệ thống PCCC, hoàn công công trình thì mới được bàn giao căn hộ. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật, cứ đưa người vào ở, còn hậu quả thì… tính sau. Chính quyền địa phương thì không quản lý được. Do đó, trong vụ việc này, cần xác định và truy trách nhiệm đến tận cùng từng địa chỉ có liên quan.
Đối với chủ đầu tư, tôi cho rằng không thể vô can trong việc để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này. Tất cả các công trình xây dựng, muốn được hoàn công, chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống PCCC và phải được nghiệm thu mới được đưa vào sử dụng.
Vậy, trong vụ này, hệ thống PCCC không hoạt động thì lỗi trước hết thuộc về chủ đầu tư. Nếu qua điều tra, xác minh, có gian dối trong việc lắp đặt hệ thống PCCC dẫn đến cháy nổ, gây hậu quả này thì phải khởi tố đối với chủ đầu tư và những người có liên quan.
Đối với đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành chung cư trong trường hợp chưa bầu được Ban Quản trị nhà chung cư. Nếu tại thời điểm xảy ra cháy, chủ đầu tư tự mình hoặc thuê một đơn vị có chức năng vận hành tòa nhà chung cư thì cần phải xem xét thêm trách nhiệm của đơn vị vận hành trong việc kiểm tra, vận hành hệ thống PCCC ra sao? Đơn vị được giao vận hành tòa nhà có làm hết trách nhiệm hay không. Trường hợp, chung cư đã bầu Ban Quản trị thì Ban Quản trị chung cư cũng phải liên đới trách nhiệm.
Đối với cơ quan có thẩm quyền về PCCC là Cảnh sát PCCC quận 8 và Cảnh sát PCCC TP HCM. Theo thông tin các cơ quan này báo cáo lãnh đạo TP HCM ngay sau khi vụ cháy xảy ra, mỗi năm, Phòng CS PCCC quận 8 kiểm tra hệ thống PCCC tòa nhà này 2 lần nhưng khi cháy nổ thì hệ thống không hoạt động.
Cần làm rõ lý do vì sao kiểm tra mà không phát hiện hệ thống PCCC không hoạt động? Có vấn đề tiêu cực trong việc kiểm tra, giám sát của người có trách nhiệm ở Cảnh sát PCCC quận 8 hay không?
Vì vậy, để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, theo tôi, Cơ quan điều tra Công an TP HCM cần khởi tố vụ án để tiến hành điều tra.
Trách nhiệm dân sự được xử lý ra sao?
Đối với việc mua bảo hiểm cháy nổ, theo Luật PCCC và Nghị định 79 hướng dẫn thi hành Luật PCCC, tại danh mục Phụ lục II các cơ sở, công trình phải mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ, chung cư là công trình bắt buộc phải mua bảo hiểm.
Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cũng quy định chung cư thuộc trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Chủ đầu tư hoặc Ban Quản trị là đầu mối đứng ra mua bảo hiểm cháy nổ cho cư dân.
Chuông báo cháy và hệ thống phun nước không hoạt động, trách nhiệm là của ai ?
Kinh phí để mua bảo hiểm trong các căn hộ chung cư (sở hữu riêng) do cư dân chi trả; phần sở hữu chung, hoặc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì chủ đầu tư chi trả kinh phí. Hiện nay, việc mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ chung cư gần như bị bỏ ngỏ, rất ít chủ đầu tư giải thích cho chủ sở hữu căn hộ biết quy định này. Các cơ quan có thẩm quyền cũng không đề cập. Đây là một lỗ hổng vô cùng lớn trong các chung cư.
Đối với ô tô, xe máy gửi trong hầm chung cư bị cháy, đơn vị khai thác bãi xe có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu xe bị thiệt hại theo quy định của BLDS về trách nhiệm của bên giữ tài sản trong Hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định tại khoản 4 điều 557 BLDS 2015.
Nếu chủ xe có mua bảo hiểm cháy nổ thì trách nhiệm bồi thường chính thuộc bên bán bảo hiểm, nếu số tiền bảo hiểm chi trả không đủ bồi thường cho chủ xe thì đơn vị khai thác bãi xe có trách nhiệm chi trả phần còn lại. Trường hợp chủ xe chưa mua bảo hiểm cháy nổ thì đơn vị khai thác bãi xe phải bồi thường toàn bộ cho các chủ xe bị hư hỏng.
Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền) bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)