Từ ngày 19-11, trên mạng xã hội xuất hiện một clip thu hút rất nhiều người chia sẻ. Trong clip là hình ảnh đôi vợ chồng ôm di ảnh 2 đứa con gái nhỏ. Người vợ vừa khóc vừa nói rằng làm clip này gửi đến thần tượng của mình là... danh hài Hoài Linh. Chị mong với sức ảnh hưởng tới cộng đồng, danh hài này sẽ lên tiếng để lấy sự công bằng cho gia đình chị.
Mất 2 con khi đứng chờ đèn đỏ
Đôi vợ chồng trong clip là anh Nguyễn Văn Phú (35 tuổi) và chị Lê Thị Kim Chung (30 tuổi) cùng là công nhân cư ngụ tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ngày 22-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến nhà vợ chồng anh Phú. Chị Chung kể ngày 13-2, chị chở con gái nhỏ Nguyễn Thị Thanh Nga (19 tháng tuổi) đi đón con gái lớn là cháu Nguyễn Thị Ngọc Lan (10 tuổi, học lớp 4). Trên đường về, khi xe đang dừng đèn đỏ thì bất ngờ bị xe khách từ đường khác lao tới tông trực diện xe chị. Chị hồi tưởng: "Tôi nghe cái đùng rồi ngã xuống đường, mê man tại chỗ. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Tôi nghe chồng nói 2 con chết rồi. Tôi rụng rời không hiểu vì sao lại thế".
Chị Lê Thị Kim Chung tiếc thương 2 con gái bị xe khách cướp mạng sống
Bệnh viện cho biết chị Chung bị gãy xương sườn, dập phổi…tỉ lệ thương tật đến 53%. "Đúng là một ác mộng, càng nghĩ càng đau lòng. Tôi tha thứ cho tài xế xe khách nhưng liệu 2 con tôi có tha thứ không? Các con tôi có tội tình đâu!" - chị nói nghẹn ngào.
Về diễn biến vụ việc, theo kết luận của cơ quan công an, xe khách gây tai nạn là xe loại 29 chỗ, biển số 51B-176.41. Chủ xe là ông Trần Văn Sơn (54 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM). Trước khi tai nạn xảy ra, ông Sơn đã bán xe này cho ông Trần Thanh Giống (32 tuổi; ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Ông Giống thuê tài xế Nguyễn Thái Dương (37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) đưa đón khách từ Hậu Giang lên Bình Dương. Dù lái xe 29 chỗ nhưng Dương chỉ có bằng lái ô tô hạng B2. Ngày 13-2, Dương chở khách từ Hậu Giang lên Bình Dương. Đến 16 giờ 40 phút, xe này đi trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn với tốc độ 55-61 km/giờ. Khi đến khu vực đèn đỏ (nơi giao nhau giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường Cây Da, thuộc địa phận thị xã Dĩ An) thì xe khách này tông vào đuôi một ô tô bán tải chạy cùng chiều phía trước, va quệt làm gãy kính chiếu hậu của một ô tô khác.
Sau va chạm, xe khách lao về phía trước, tông 3 xe máy đang chờ đèn đỏ, trong đó có xe của chị Chung. Sau khi ủi 3 xe máy, xe khách tiếp tục lao về phía trước tông tiếp một xe máy nữa đang chạy trên đường Cây Da. Chiếc xe khách chỉ dừng lại khi tông trúng cột đèn và mắc kẹt vào rãnh cống thoát nước. Vụ tai nạn làm 2 người chết, 2 người bị thương nặng; hư hỏng nhiều xe máy, ô tô.
Không khởi tố: Đúng hay sai?
Về lý do không khởi tố, kết luận do thượng tá Võ Văn Hồng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An, ký, viết rằng: "Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy hành vi điều khiển ô tô khách mang biển số 51B-176.41 gây tai nạn của tài xế Nguyễn Thái Dương là do sự cố an toàn kỹ thuật "mất phanh" (yếu tố khách quan). Việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nên không đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Ông Võ Văn Rơi, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An, cũng ký văn bản nhận định nguyên nhân gây tai nạn là do xe bị sự cố an toàn kỹ thuật (mất phanh). Việc công an kiến nghị không khởi tố là đúng quy định pháp luật.
Không đồng tình với kết luận trên, luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TPHCM) khẳng định vụ tai nạn trên phải khởi tố. Luật sư phân tích: Chỉ cần đặt một câu hỏi thì có thể sáng tỏ được vấn đề: Vì sao lại có chiếc xe chạy trên đường khi người điều khiển nó là người không đủ điều kiện điều khiển theo quy định? Nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là xuất phát từ một chuỗi hành vi chứ không đơn thuần là xe mất phanh. Từ đó có thể khẳng định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Dấu hiệu thứ nhất là đối với tài xế: Pháp luật buộc một người phải biết rằng khi mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (bằng lái xe đúng chủng loại) thì mặc nhiên người đó không được điều khiển phương tiện. Biết rằng mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo luật nhưng tài xế vẫn lái xe, đây được xem là lỗi cố ý trực tiếp của tài xế. Vì vậy, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm a, điểm đ khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định - điểm a; gây hậu quả rất nghiêm trọng - điểm đ).
Dấu hiệu thứ hai là đối với chủ xe: Mặc dù chưa thực hiện thủ tục sang tên phương tiện nhưng trên thực tế, chủ xe là người sở hữu và quản lý tài sản (phương tiện). Khi ký hợp đồng lao động và giao (điều động) phương tiện cho người lao động điều khiển, chủ xe buộc phải biết tài xế có bằng lái đủ hợp lệ hay không. Việc giao xe ẩu như vậy có thể khởi tố chủ xe về tội "Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự.
Có thể yêu cầu giám định lại
Theo VKSND thị xã Dĩ An, sau khi tai nạn xảy ra, đơn vị giám định an toàn kỹ thuật chiếc xe khách gây tai nạn là Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương. Theo kết quả giám định: "Hệ thống phanh chính của xe trước và sau tai nạn không bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định". Thời điểm gây tai nạn xe này vẫn còn trong thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật.
Theo một cán bộ công an giàu kinh nghiệm, lâu nay các vụ mất phanh thường không khởi tố vì đó là sự cố bất ngờ, không lường trước. Còn việc tài xế không bằng lái chỉ là tình tiết tăng nặng để định khung phạt chứ không phải dùng định tội. Về kết quả giám định, nếu gia đình nạn nhân không tin tai nạn có phải là do mất phanh hay không thì có thể yêu cầu giám định lại.
Bình luận (0)