Ngày 16-7, Công an TP HCM phối hợp với Quỹ “Hòa nhập và phát triển cộng đồng” (HN và PTCĐ, tên cũ là Quỹ Hoàn lương) cùng các sở, ngành tổ chức buổi tọa đàm về biện pháp thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ về “Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” (viết tắt NĐ 80).
Mở rộng quỹ và đối tượng thụ hưởng
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Hội đồng Quản lý Quỹ HN và PTCĐ, từ khi hoạt động (ngày 22-9-2010) đến nay, Quỹ HN và PTCĐ đã tư vấn cho 400 lượt người chấp hành xong án phạt tù về các vấn đề pháp lý, làm lại giấy tờ tùy thân, thủ tục xóa án tích, giải quyết việc làm…; trợ giúp pháp lý miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo, tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội.
Từ ngày 6-4-2013 đến 30-6-2014, quỹ được các đơn vị, như: Công ty TNHH Bel Việt Nam, Công ty TNHH TM-SX-DV Phúc An Thịnh, Công ty TNHH Cà phê Bách… tài trợ trao xe “bánh mì cộng đồng”, xe “thực phẩm cộng đồng”, xe “cà phê cộng đồng” cho những đối tượng của quỹ trên 18 quận, huyện.
“Trước những kết quả đạt được, chúng tôi đang đề nghị UBND TP HCM cho phép mở rộng quỹ ra một số tỉnh, thành lân cận; đồng thời xin phép cho mở rộng đối tượng thụ hưởng là những người già neo đơn, trẻ em, người cơ nhỡ…” - bà Mai nói.
Tại buổi tọa đàm, đại tá Nguyễn Thành Nghiệm, Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) Công an TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP còn 24.957 người chưa làm thủ tục xóa án tích, 1.077 người có hộ khẩu ở TP nhưng sau khi chấp hành xong án phạt tù thì không về nơi cư ngụ.
Qua 2 năm thực hiện NĐ 80 của Chính phủ, đã có gần 600 trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù tham gia công tác tại địa phương (ban điều hành khu phố, bảo vệ dân phố…), nhiều người đạt thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, một số thì lập công ty và thành đạt. Một số người nhờ vào nguồn hỗ trợ vốn của quỹ để bán bánh mì, hành nghề xe ôm mưu sinh…
“Có được kết quả khả quan như trên, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, sự hỗ trợ của các cấp còn có sự góp sức của cộng đồng như trường hợp ông Lê Thừa Như (huyện Hóc Môn) dạy cho hơn 250 người học nghề mộc, trong đó có hơn 50 người chấp hành xong án phạt tù; Doanh nghiệp may gia công Trường Tùng (quận 7) nhận hàng chục người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc...” - đại tá Nghiệm dẫn chứng.
Dễ hòa nhập nếu được cộng đồng chia sẻ
Cũng tại buổi tọa đàm, đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết qua thực hiện NĐ 80, Công an TP đã chỉ đạo công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham mưu cho UBND cùng cấp phân công các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục và giúp đỡ cho 2.678 người; hướng dẫn cấp đổi CMND cho 533 người; hướng dẫn các thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích, cấp lý lịch tư pháp cho 890 người; phối hợp các cơ quan ban ngành, đoàn thể vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 3.140 người, hỗ trợ kinh phí học nghề cho 171 người với tổng số tiền trên 224 triệu đồng...
Tuy nhiên, theo đại tá Nhàn, vẫn tồn tại những khó khăn do một số cơ quan, ban ngành chưa thấy hết trách nhiệm được giao trong NĐ 80; một số quận, huyện thực hiện mang tính chiếu lệ; vẫn còn nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội do không có tay nghề hoặc lười lao động…
“Nếu xã hội, cộng đồng quan tâm, chia sẻ, có cái nhìn thông cảm, sẵn sàng tạo điều kiện thì người từng lầm lỗi sẽ sớm xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời. Trong năm 2015, sẽ có nhiều phạm nhân cải tạo tốt được hưởng các chính sách giảm án hoặc đặc xá. Vì vậy, rất cần các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân… tạo điều kiện giúp những người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng. Công an TP HCM sẽ tiếp tục tham mưu, thực hiện một số việc như khảo sát xã hội về tình hình đời sống của thân nhân những người đang cải tạo và những người đã chấp hành xong án phạt tù để có cơ sở đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ những đối tượng này” - đại tá Nhàn nói.
Quyết tâm, nghị lực và tin tưởng
Ông Liên Khui Thìn, thành viên Quỹ HN và PTCĐ, tâm sự: “Tôi là người đã từng bị kết án tử hình rồi được giảm án và đặc xá vào năm 2009. Những người chấp hành án như tôi đều có chung mối lo: Liệu gia đình, xã hội, cộng đồng có đón nhận hay không? Từng trải qua những ngày tháng khó khăn, tôi thấy để làm lại cuộc đời thì phải có đủ quyết tâm, nghị lực. Hãy tin tưởng bên cạnh chúng ta còn có người thân, chính quyền, đoàn thể, tổ chức luôn quan tâm và giúp đỡ”.
Bình luận (0)