Đến nay, đã có nhiều biệt thự trong 79 căn xây dựng trái phép bị tháo dỡ ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Cơ quan chức năng ở tỉnh Cà Mau cũng đang hoàn thiện thủ tục, lên phương án cưỡng chế 1 căn biệt thự được cho là đẹp nhất tỉnh này cũng vì xây dựng trái phép.
Xây dựng rầm rộ, địa phương không hay biết
Khu đất nơi 79 căn biệt thự xây dựng trái phép có diện tích 18,9 ha, là đất rừng phòng hộ, được tỉnh Kiên Giang thu hồi giao cho xã Dương Tơ trực tiếp quản lý.
Thời gian qua, cơ quan chức năng ở Phú Quốc đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế công trình trái phép trên đất nhà nước quản lý, rừng phòng hộ, khu bảo tồn biển… Trong đó, tháo dỡ 8 công trình trái phép trong khu bảo tồn biển thuộc ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh.
Biệt thự trái phép được cho là đẹp nhất tỉnh Cà Mau, trước đó có tài khoản trên mạng xã hội nhiều lần đăng tải hình ảnh và livestream quá trình xây dựng. Khi dư luận phản ánh, chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng tại vị trí đất nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, sau đó báo cáo UBND TP Cà Mau để tìm biện pháp xử lý.
79 căn biệt thự xây dựng trái phép ở Phú Quốc Ảnh: DUY NHÂN
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có đến 680 căn nhà, trong đó có 198 biệt thự và 290 nhà liên kế đang thi công dang dở khi chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng đầu tư dự án.
Rồi đến hàng loạt biệt thự xây dựng trái phép trên núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng đang bị cơ quan chức năng đề nghị tháo dỡ trong vòng 30 ngày.
Thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép vừa mất thời gian của cơ quan chức năng vừa lãng phí nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và mỗi nơi xử lý vi phạm khác nhau. Dù đã có sẵn hành lang pháp lý, cơ sở chế tài xử lý nhưng chính quyền địa phương chần chừ, kéo dài thời gian đến khi công trình hoàn thành. Chưa kể sau đó có những trường hợp đề xuất xử lý công trình trái phép theo hình thức phạt tiền rồi cho tồn tại.
Với vai trò đại diện bộ máy quản lý nhà nước, quản lý trực tiếp địa bàn, gần dân nhất, thật khó biện minh chính quyền địa phương không biết, không phát hiện hay là người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý. Bởi khi tiến hành xây dựng công trình hay nhà ở thì ít nhất cũng phải tập kết máy móc, thiết bị, vật tư, xi măng, cát đá, sắt thép và công nhân. Chưa kể công trình vi phạm, ai đi qua cũng thấy nhưng cán bộ quản lý và giám sát địa bàn lại không biết thì quả thật không thể tin nổi.
Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật
Về mặt quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giảm thiệt hại xã hội và cho chính người vi phạm, chính quyền địa phương phải ngăn chặn ngay từ đầu và cương quyết đình chỉ thi công xây dựng trái phép. Như các biệt thự trái phép ở Phú Quốc, Cà Mau, Đồng Nai, An Giang, nếu được ngăn chặn quyết liệt và xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu thì nay đã không phải mất nhiều công sức, thời gian rà soát, họp bàn xử lý, huy động lực lượng, tốn kém chi phí, xót xa khi phải cưỡng chế tháo dỡ.
Xử lý vi phạm là tất nhiên phải làm để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý điều hành và thực thi công vụ đã được cụ thể hóa bằng quy định pháp luật. Đây còn là điều kiện tiên quyết nâng cao hiệu lực đưa pháp luật vào cuộc sống, lan tỏa điều tích cực, tạo niềm tin vào lẽ phải, sự đồng thuận trong nhân dân.
Cần ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu vi phạm xây dựng. Đó chính là gốc rễ, bởi suy cho cùng, mục đích của người vi phạm là làm sao cho công trình hoàn thành thủ tục, tồn tại, sử dụng một cách hợp pháp. Một khi những mục đích này không đạt được, hẳn không ai dám vi phạm.
Vì vậy, nhất quán xử lý nghiêm khắc công trình trái phép, dù lớn hay nhỏ cũng phải tự nguyện tháo dỡ trả lại nguyên trạng hoặc bị cưỡng chế, tuyệt đối không cho tồn tại hay hợp thức hóa thì mới chấm dứt các vi phạm xây dựng.
Bên cạnh đó, kiện toàn đội ngũ thanh tra đáp ứng yêu cầu, kịp thay thế những người để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý. Cán bộ có người nhà, người thân liên quan đến vi phạm đất đai, công trình trái phép đều bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ hậu quả gây ra.
Bình luận (0)