Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhóm người này từ các địa phương khác tìm về địa bàn tỉnh ta để hoạt động. Chúng mua những chiếc đồng hồ dỏm, có giá khoảng 50.000 - 100.000 đồng/chiếc; sau đó, mua thẻ bảo hành đã được in ấn sẵn rồi tự ghi giá tiền vào đó, thường mỗi chiếc đồng hồ có giá trên 2 triệu đồng và được bảo hành 2 năm.
Khi có xe chở khách ghé vào quán ăn cơm, nhóm người này lập tức xuất hiện, tiếp cận “con mồi” và “giở chiêu”. Một người trong nhóm đó sẽ đóng vai “người đi đường hết tiền” cần bán gấp tài sản (chiếc đồng hồ “xịn” mới mua và sử dụng chưa được 1 tháng) để có tiền trang trải chặng đường còn lại. Một người khác trong vai người bán báo thấy món hời nên lập tức ngã giá để mua chiếc đồng hồ.
Người bán báo xem xét cẩn thận thẻ bảo hành rồi sau đó cầm chiếc đồng hồ cà xuống mặt nền xi măng để kiểm tra chất lượng. Cố tình để những người khách xung quanh thấy hành động của anh ta với mục đích khẳng định chất lượng tuyệt hảo của chiếc đồng hồ (dù cà xát xuống mặt nền xi măng nhưng không bị trầy xước).
Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, khi cà mặt đồng hồ xuống nền xi măng, “người bán báo” chỉ cho ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm đất; còn mặt đồng hồ thì cách mặt đất khoảng 5 mm nên không thể bị trầy xước. Nếu có vị khách nào muốn lập lại hành động trên, những người còn lại trong nhóm này đóng vai hành khách lập tức xông tới giật chiếc đồng hồ và nói để họ mua.
Sau đó, “hành khách” này làm lại động tác kiểm tra chất lượng như trên rồi khen lấy khen để và tỏ ra nuối tiếc vì gặp đồng hồ chất lượng tốt, lại được mua với giá rẻ nhưng không đủ tiền để mua.
Nhóm này gặp ai cũng ca thán như vậy, một số người vì nhẹ dạ cả tin nên bị “sập bẫy” lừa mà chúng đặt ra. Còn nếu khách đi đường nhất thiết không mua, những “hành khách” này nói cứ mua đi, khi về tới bến xe chúng sẽ rút tiền trong thẻ ATM mua lại và trả lãi 200 ngàn đồng vì giờ chúng không có đủ tiền mặt để mua. Nhiều người nghĩ những “hành khách” này đi cùng xe nên tin lời, lấy tiền mua để sau đó nhận lãi. Thế nhưng, khi việc mua bán đã xong thì những diễn viên trong vai “người đi đường hết tiền”, “người bán báo” và “hành khách” đã biến mất dạng.
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng này đã kéo dài trong thời gian khá lâu; và có rất nhiều hành khách đã bị “sập bẫy” của những kẻ nói trên. Đặc biệt, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 (thời gian hành khách đi lại đông) thì số vụ lừa gạt càng trở nên phổ biến.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các quán cơm và nhà xe cần cảnh báo để hành khách biết được những trò lừa gạt nói trên, tránh “sập bẫy” những kẻ mua gian bán lận, làm ăn phi pháp.
Bình luận (0)