Sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 30-9, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt bị cáo Lâm Văn Liêu (54 tuổi trú tại ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên) và Huỳnh Thị Rảnh (58 tuổi, ngụ khu phố 6, phường 4, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) mỗi bị cáo 12 năm tù về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và buộc 2 bị cáo bồi thường hơn 5 tỉ đồng chiếm đoạt.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu tháng 2-2010, Lâm Phúc Hùng truy cập trang mạng của công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á) thấy quảng cáo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa cấp với gói sản phẩm đặt phòng du lịch dành cho 2 người ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới với giá rẻ.
Hùng đã in nội dung trên đưa Phạm Hồng Thanh dịch sang tiếng Việt. Sau đó, Hùng rủ Phạm Thị Thủy liên hệ đặt mua gói dịch vụ này và tham gia hệ thống DHT. Sau khi lôi kéo một số người tham gia, Hùng thành lập Câu lạc bộ Du khách do mình làm chủ nhiệm, Thanh và Thủy làm phó chủ nhiệm.
Liêu và Rảnh tại tòa
Nạn nhân kể lại sự việc bị lừa
Cuối tháng 2-2010, Hùng, Thanh, Thủy đi sang Hong Kong gặp Hsueh Cho Ting (người điều hành mạng của DHT trên Internet) tìm hiểu, thỏa thuận phương thức dụ dỗ, lôi kéo khách hàng tham gia nộp tiền đặt phòng du lịch trên Internet thông qua câu lạc bộ du khách.
Cả ba tự soạn thảo ra các tài liệu dùng để quảng bá, tuyên truyền, vận động người khác tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng với nội dung: Nếu một người muốn mua gói dịch vụ đặt phòng (4 ngày 3 đêm cho 2 người ở khách sạn hoặc resort từ 3 đến 5 sao ở Việt Nam hoặc các nước khác thuộc hệ thống đối tác DHT) thông qua công ty DHT thì phải nộp 340 USD.
Chính sách trả thưởng được quảng cáo là: Khi một người tham gia vào hệ thống sẽ được xếp vào 1 “Bàn du khách” (bàn vàng). Khi bàn này đủ 15 người tham gia, ai ở vị trí bàn trưởng sẽ được thưởng 1.000 USD vào ví điện tử của mã ID đồng thời người này được chuyển sang “Bàn kim cương” (bàn đỏ) và được tách làm 2 “bàn vàng” khác. Khi đủ 64 người thì trưởng “bàn đỏ” lại được “bật bàn” để quay lại tham gia vào một bàn đỏ khác và nhận được 15.000 USD, trong đó có 10.000 USD được chuyển vào ví điện tử và 1 tấm séc đi du lịch trị giá 5.000 USD.
Người tham gia được quảng cáo “càng vận động được nhiều người tham gia hệ thống DHT thì càng leo lên vị trí cao và được hưởng nhiều hoa hồng…”
Đến tháng 3-2011, Lâm Phúc Hùng thành lập Công ty TNHH Diamond Holiday Đại Hùng Tinh nhưng chưa hoạt động. Tháng 8-2011, Công ty DHT ngừng hoạt động, Lâm Phúc Hùng đã chuyển đổi tên Công ty TNHH Diamond Holiday Đại Hùng Tinh thành Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT Đông Nam Á) do Hùng làm Tổng giám đốc. Từ đây, Hùng thành lập các văn phòng đại diện, chi nhánh ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Tây Ninh để tổ chức hoạt động. Ngày 25-2-2012, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội xác định đây là tổ chức lừa đảo nên đã bắt Lâm Phúc Hùng cùng các đồng phạm.
Biết được mô hình này, Lâm Văn Liêu, Huỳnh Thị Rảnh ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần thương mại Diamond Holiday, đứng ra thành lập công ty và huy động nhiều người dân tham gia mua gói sản phẩm của Công ty DHT để đủ điều kiện thoát bàn vàng, bàn đỏ và được nhận thưởng từ 1.000 USD đến 15.000 USD trong ví điện tử.
Theo đó, khi có tiền thưởng trong ví điện tử, thì Liêu và Rảnh thao tác trên mạng Internet bán số tiền ảo cho những người tham gia sau để thu về tiền thật hưởng lợi và chi trả cho những người được thoát bàn bằng tiền Việt Nam. Liêu, Rảnh mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng cho nhiều người tham gia nộp tiền để chiếm đoạt.
Bằng thủ đoạn trên, Lâm Văn Liêu đã vận động, lôi kéo 544 người nộp trên 6 tỉ đồng vào tài khoản của Liêu để mua DHT, trong đó Liêu chiếm đoạt trên 2 tỉ đồng.
Huỳnh Thị Rảnh vận động, lôi kéo 627 người nộp trên 10 tỉ đồng vào tài khoản của Rảnh để mua DHT, số tiền Rảnh chiếm đoạt trên 3 tỉ đồng.
Tổng công cặp đôi này đã chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng của hàng trăm người nhẹ dạ.
Tài liệu điều tra chứng minh: Việc kinh doanh đa cấp trên mạng Internet là không có thật vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, tiền thưởng khi “thoát bàn” đều là tiền ảo trả vào ví điện tử, việc trả tiền thật thực chất do nạn nhân trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước. Người tham gia trước lôi kéo được nhiều người tham gia sau thì được thưởng theo cấp độ bằng tiền ảo trong ví điện tử. Muốn lấy tiền thật thì phải lôi kéo thêm người tham gia để bán tiền ảo lấy tiền thật từ người tham gia sau nộp vào.
Bình luận (0)